DN ngành điện vẫn thế
Trao đổi với ĐTCK, đại diện CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, Công ty đã đàm phán xong giá điện với EVN cho cả năm 2015 và trong hợp đồng có những điều khoản ràng buộc giữa hai bên, nên không có việc khi giá đầu ra tăng thì EVN sẽ tăng giá đầu vào. Đối với các DN nhiệt điện, nếu giá than tăng thì EVN sẽ bù khoản chênh lệch hỗ trợ các DN. Theo đại diện PPC, so với mặt bằng giá chung của các DN cùng ngành thì giá bán điện của PPC cho EVN tương đối cao, xấp xỉ 980 đồng/Kwh.
CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) cho hay, sau nhiều năm, Công ty đã hoàn tất việc đàm phán giá điện với EVN vào đầu năm 2015. Do vậy, giá điện tăng sẽ không làm tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay của VSH nói riêng và các DN sản xuất điện nói chung. Hiện nay, EVN được phép tăng giá bán lẻ, nhưng không có quy định buộc Tập đoàn phải tăng giá mua vào với các DN trực tiếp sản xuất điện khi giá bán lẻ tăng.
Đối với những DN phân phối điện, việc tăng giá bán đầu ra cũng chưa chắc đã giúp DN hưởng lợi. CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP) cho biết, Công ty là đơn vị mua điện từ Tổng công ty Điện lực miền Trung (trực thuộc EVN) và bán lẻ cho người dân. Tuy nhiên, giá bán điện của KHP là do Chính phủ quy định và chỉ khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh thì Công ty mới được phép thay đổi giá bán điện.
Lãnh đạo một DN trong ngành điện nhận định, giá bán lẻ tăng, nhưng kỳ vọng EVN mua điện từ các DN sản xuất điện với giá cao hơn là rất khó. Bởi lẽ, giá bán điện của các DN cho EVN (ngoại trừ những dự án lớn đàm phán trước giá bán điện đến 25 năm) được thỏa thuận qua mỗi năm do biến động chi phí đầu vào. Giá bán điện giữa EVN và DN sản xuất điện được hai bên đàm phán trên cơ sở giá thành sản xuất và mức lợi nhuận biên và được quy định trong hợp đồng thương mại.
Không thay đổi về giá đàm phán, điều này đồng nghĩa với việc, doanh thu và lợi nhuận của các DN sản xuất điện gần như không bị ảnh hưởng sau quyết định tăng giá điện bán lẻ.
DN sản xuất nói chung… lo
Việc tăng giá điện sẽ ảnh hướng trực tiếp đến các DN sản xuất, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều điện năng.
Lãnh đạo một DN ngành thép đang niêm yết trên HOSE cho biết, giá điện tăng thêm 7,5% có thể làm đội chi phí của DN trong năm 2015 và ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận.
“Nếu DN vẫn giữ nguyên giá bán hàng hóa thì ảnh hưởng đến lợi nhuận, còn nếu tăng thêm giá bán thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh”, vị này nói và cho rằng, các DN thép trong nước phải đối mặt với biến động giá phôi thép thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, hiện giá đang rất thấp, nay chịu thêm áp lực về giá điện tăng thì sẽ rất khó khăn.
Theo đại diện CTCP Ống thép Việt Đức (VGS), việc giá điện tăng ảnh hưởng rất lớn tới các DN sản xuất thép. Thống kê của Hiệp hội Kinh doanh doanh thép cho thấy, 70 - 80% tổng số phôi thép được sản xuất bằng điện.
Ông Trần Hoàng Ngân, Kế toán trưởng CTCP Thép Việt Ý (VIS) chia sẻ, chi phí điện của Công ty sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, so với tổng chi phí thì điện năng chưa chiếm tỷ trọng lớn nên việc giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều tới Công ty.
Thực tế cho thấy, hầu như DN ngành nào cũng sử dụng điện năng để hoạt động, tùy vào mức độ sử dụng điện mà việc tăng giá điện có ảnh hưởng nhiều hay ít. Nhưng để duy trì được mức giá thành như cũ, trong khi giá điện tăng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.