Ngay trước Tết Ất Mùi, Công ty Janakuasa (Malaysia) đã trình hồ sơ Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) có quy mô vốn khoảng 2,2 tỷ USD tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Có quy mô 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 đã được giao phát triển dự án này từ năm 2009. Sau nhiều năm đàm phán, tới ngày 24/12/2014, Bộ Công thương và Công ty Janakuasa mới tổ chức ký tắt bộ hợp đồng Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ông Abdul Hamid Pawanteh, Chủ tịch Công ty Janakuasa cho hay, việc thu xếp vốn đã được chủ động triển khai để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Theo kế hoạch được chủ đầu tư đưa ra, Tổ máy số 1 của Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 dự kiến đi vào vận hành trước năm 2020. Như vậy, kể từ khi được giao phát triển dự án tới khi đưa được tổ máy 1 vào vận hành như dự tính, chủ đầu tư mất khoảng 11 năm - một khoảng thời gian không hề ngắn, nếu không nói là quá dài.
Cần nói thêm là, Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, cũng như hai dự án khác cũng nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải, nhưng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư là Duyên Hải 1 (2 x 622 MW) và Duyên Hải 3 (2 x 622 MW) được lên kế hoạch đầu tư để đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam từ năm 2015 trở đi. Tuy nhiên, trong khi Nhiệt điện Duyên Hải 1 (được xây dựng từ cuối năm 2010) và Nhiệt điện Duyên Hải 3 (xây dựng từ cuối năm 2012) đã gần về tới đích, thì Dự án BOT Duyên Hải 2 vẫn chưa đến giai đoạn triển khai trên thực địa.
Thực tế tại một dự án cụ thể này cũng cho thấy, quãng đường để thu hút vốn đầu tư tư nhân và vốn nước ngoài vào ngành điện còn lắm gian truân.
Ngoại trừ 5 dự án BOT điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 đã đi vào hoạt động, Mông Dương 2 bắt đầu phát điện, Hải Dương và Vĩnh Tân 1 đang thu xếp vốn) và 1 dự án đang chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư (Duyên Hải 2), hiện còn 15 dự án BOT khác đang trong quá trình thương thảo các hợp đồng liên quan.
Trong số này, đáng chú ý là Dự án BOT Nghi Sơn 2, công suất 2 x 600 MW, được lựa chọn chủ đầu tư phát triển dự án theo hình thức đấu thầu quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công thương đã chọn Công ty Tài chính quốc tế (IFC) làm tư vấn hỗ trợ lập hồ sơ mời thầu và đánh giá thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án. Sau 3 năm chuẩn bị, tới tháng 3/2011, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án đã chính thức phát hành. Đến ngày đóng thầu (28/7/2011), có 3 đơn vị nộp hồ sơ là EDF, Marubeni/Kepco và Suez Tractebel/Mitsui. Nhưng phải đến ngày 23/3/2013, người thắng cuộc mới được xướng tên, đó là tổ hợp Marubeni/Kepco.
Tháng 11/2013, tổ hợp nhà đầu tư Marubeni/Kepco đã trình Bộ Công thương Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và trình hồ sơ hiệu chỉnh vào ngày 18/12/2014. Dẫu vậy, thời gian hoàn thiện các hợp đồng của dự án để tới công đoạn ký tắt và nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thì chưa thể xác định.
Thực tế đó cũng cho thấy, dù đã chuyển sang hình thức đấu thầu để chọn nhà thầu với bộ điều khoản soạn sẵn nhằm rút ngắn thời gian đàm phán, nhưng xem ra cách này chưa nhanh hơn so với việc chỉ định nhà phát triển dự án rồi đàm phán từ đầu.
Điều đáng nói là, dù có tới 6 dự án BOT điện đã hoặc đang chuẩn bị cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng hàng loạt dự án BOT điện khác luôn gặp phải tình trạng vướng mắc trong đàm phán và phải xin ý kiến của các cơ quan liên quan và Chính phủ.
Dự án BOT Nam Định 1 của Tập đoàn Teakwang (Hàn Quốc) là một ví dụ. Từ tháng 7/2012, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nhiều phiên đàm phán với chủ đầu tư về hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ. Sau 5 phiên đàm phán, hai bên đã thống nhất được hầu hết các nội dung cơ bản của Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ, nhưng vẫn chưa thể kết thúc đàm phán các hợp đồng mua bán điện, cung cấp và vận chuyển than, thuê đất.
Bộ Công thương mới cho biết, sau khi chủ đầu tư BOT Nam Định 1 hoàn tất các hợp đồng liên quan, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề còn vướng mắc để làm cơ sở tiếp tục đàm phán hoàn thiện các hợp đồng dự án. Trước đó, dự án này đã từng đưa ra tiến độ giai đoạn I (2016 - 2017) là xây dựng hai tổ máy đầu tiên.
Cũng có 5 phiên đàm phán từ tháng 7/2013 đến nay, nhưng Dự án BOT Vĩnh Tân 3, công suất 1.980 MW, còn phải tiếp tục đàm phán về một số nội dung chưa thể thống nhất.
Dự án này do Công ty VTEC đầu tư, với sự tham gia của 3 cổ đông là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (29%), Công ty OneEnergy Ventures Ltd của Hongkong (49%) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (22%). Khi ký thỏa thuận xây dựng nhà máy BOT Vĩnh Tân 3 với nhà thầu, các chủ đầu tư đã lên kế hoạch khởi công xây dựng vào quý III/2014 và dự kiến hòa lưới tổ máy đầu tiên trong năm 2018.
Với những thực tế như vậy, cơ hội để tiêu hàng tỷ đô-la của các nhà đầu tư nước ngoài qua các dự án BOT điện còn rất nhọc nhằn.