Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điệ lực Việt Nam (EVN) cho biết tại cuộc họp báo hôm nay (6/3) để công bố tăng giá điện.
Ông Tri cho biết, chiều ngày 5/3, Chính phủ đã phê chuẩn điều chỉnh giá điện ở phương án thấp nhất là 7,5% trong số 3 phương án mà Bộ Công thương đưa ra sau khi Chính phủ cùng Bộ này đã tiến hành thẩm định phương án giá mà EVN trình.
“Đây là mức tăng thấp nhất trong số 3 phương án mà Bộ Công thương trình Chính phủ là 7,5%; 8,5% và 9,5%. Trên thực tế, nếu tính đầy đủ chi phí phát sinh và để có lợi nhuận 3% trên vốn chủ sở hữu thì giá điện phải tăng 12,8%, nhưng EVN chỉ kiến nghị tăng 9,5%. Với mức tăng 7,5%, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của EVN dự tính vào khoảng 1%, thấp hơn so với hoạt động sản xuất, kinh doanh khác và chỉ xử lý chênh lệch tỷ giá khoảng chưa đến 1.000 tỷ, vẫn còn treo lại trên 7.000 tỷ đồng”, ông Tri khẳng định.
Về mức tăng cụ thể đối với từng đối tượng, ông Tri cho biết, sẽ được Bộ Công thương xây dựng cụ thể và có thông báo chính thức, với thời điểm áp dụng chính thức từ ngày 16/3 tới đây. Tuy nhiên, mức tăng sẽ khác nhau đối với từng đối tượng và hộ tiêu thụ điện, trong đó một số đối tượng chủ yếu là những hộ tiêu thụ dưới 100 kWh áp dụng mức tăng ưu tiên dưới mức trung bình 7,5%, các hộ kinh doanh sẽ tăng ở mức 7,5%, còn với các hộ sản xuất đang hưởng giá thấp sẽ điều chỉnh cao hơn, với mức tăng trên 7,5%.
Với mức tăng này, theo nhận định của ông Tri, đối với điện sinh hoạt, hộ gia đình sử dụng 50 số đầu tiên chi phí hàng tháng sẽ tăng khoảng 4.800 đồng; hộ kinh doanh và những hộ nào tiêu thụ nhiều giá điện tính theo bậc thang, theo đó tăng khoảng 0,06-0,6% so với giá cũ.
Ông Tri cũng cho biết, nếu đủ điều kiện chi phí đầu vào tăng, EVN trình Bộ Công thương để phê duyệt giá điện mới. Lý do là vì theo Quyết định 69/QĐ-TTg về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, thì hàng tháng EVN phải tính toán chi phí phát sinh hoặc giảm do biến động thông số đầu vào, báo cáo Bộ Công thương để điều chỉnh nếu tăng trên 7% và trên 10% thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, giá khí, dầu, than ổn định thì việc điều chỉnh trong năm nay chắc không xảy ra, nhưng cũng không thể nói trước được vì trong cơ chế thị trường.
“Minh bạch, giá điện có đặc thù, ai cũng muốn, EVN cũng muốn nhưng do đặc thù là sản xuất và tiêu thụ xảy ra đồng thời và số lượng hộ tiêu thụ vô cùng lớn, 22 triệu hộ khách hàng từ hộ gia đình tiêu thụ 30-50 kWh/tháng, đến cả một nhà máy sử dụng hàng chục ngàn kWh/tháng. Phải mua 83%, chỉ chủ động sản xuất được 17%. Giá bán lẻ là kết quả của việc mua điện tới 83% tổng sản lượng, nếu cung không đáp ứng cầu thì giá tăng, EVN phải mua giá cao và ngược lại. Vì thế, việc dự báo chỉ là tương đối và rất khó, vấn đề là phải có kiểm toán xác nhận chi phí mua điện và cho định mức lợi nhuận cộng thêm thuế. Nếu giá bán lẻ không điều chỉnh trong khi chi phí đầu vào tăng đương nhiên bị lỗ, điều hành cơ chế giá bán lẻ cố định trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục EVN phải chịu phần lỗ bằng cách để lại chênh lệch tỷ giá không trích (26.000 tỷ đồng chênh lệch) vẫn còn 8.000 tỷ đồng", ông Tri nói.
Ông Tri nhận định, giá điện năm 2015 dự báo có khả năng sẽ ổn định vì tỷ giá ốn định, giá khí đã có lộ trình tăng không nhiều, giá than chưa có thông báo của Tập đoàn Than Khoáng sản về việc điều chỉnh tăng, nhưng giá than thế giới giảm sẽ gây sức ép lên TKV nếu muốn có ý định tăng giá. Bên cạnh đó, ông Tri cho biết, từ năm 2016 sẽ nhập khẩu than để sử dụng để cạnh tranh với giá than do TKV độc quyền cung cấp cho điện, do đó sẽ giảm sức áp tăng giá điện.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào tuyên truyền tiết kiệm điện của toàn xã hội đặc biệt là vào giờ cao điểm và vào mùa khô. Nếu nhu cầu tăng trưởng quá nóng bắt buộc phải đầu tư nhà máy điện với chi phí cao, nhập khẩu nguyên liệu giá cao, đầu tư vốn với điều kiện không thuận lợi đương nhiên giá bán lẻ tăng. Tăng trưởng ở mức hợp lý thì vay vốn ở mức thuận lợi.
Trả lời câu hỏi, giá điện tăng thì liệu chất lượng dịch vụ cung cấp điện của EVN có tăng theo, ông Tri khẳng định: “kể cả trong trường hợp giá điện không tăng EVN vẫn chỉ đạo tăng năng suất, chất lượng địch vụ. Năm 2014 dù không tăng giá điện, song EVN vẫn quyết liệt nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Tuy nhiên, ông Tri cũng cho biết, tăng giá điện hôm nay không có nghĩa là ngay ngày mai tăng chất lượng được. Mục đích tăng giá là để vay vốn, xây dựng, thu hút nguồn đầu tư vào điện để nâng cao năng lực cung cấp điện, từ đó sẽ nâng cao chất lượng cung ứng điện.