Câu hỏi này được ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế (INTAC) nêu ra tại Hội thảo về các hiệp định thương mại và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.
Ông Huỳnh dẫn chứng thêm: Năng suất lao động của Việt Nam năm 2010 chỉ đạt gần 5.900 USD, bằng 13,2% của Nhật Bản; 23,3% của Malaysia; 12% của Singapore; 13,3% của Hàn Quốc và 46,5% của Trung Quốc… Sau một thời gian gia nhập sân chơi này, năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang giảm dần.
Theo ông Huỳnh, nếu giải đáp được nghịch lý trên thì đó cũng là cách để doanh nghiệp Việt Nam rút kinh nghiệm hội nhập tốt hơn với những sân chơi mới như các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hiện tại, Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều FTA quan trọng với các đối tác thương mại chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Những hiệp định này khi được ký kết và thực thi sẽ mở ra những cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các cơ hội đó là điều không dễ dàng trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp hiện còn yếu; hơn nữa, việc mở cửa thị trường trong nước theo FTA đồng thời cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh không hề nhỏ. Do đó, kinh nghiệm trong việc thực thi các FTA đã ký của Việt Nam cùng với bài học từ việc khai thác và tận dụng FTA của các nước sẽ rất hữu ích cho các hiệp hội và doanh nghiệp, để chuẩn bị tốt hơn cho việc thực thi các FTA sắp tới.
Việt Nam cũng đang đàm phán để ký kết những hiệp định thương mại mới là: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Karzakstan, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+6, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Khối EFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại như môi trường, lao động… Mức độ thâm nhập cũng sâu hơn như xóa bỏ 90 - 100% thuế nhập khẩu hàng hóa. Riêng Hiệp định TPP hướng tới xóa bỏ 100% thuế suất nhập khẩu. Đối với cam kết về dịch vụ, nhiều FTA hiện nay áp dụng phương pháp “chọn bỏ” chứ không phải “chọn cho” như trước kia.
“Các FTA thế hệ mới yêu cầu về thực thi cao hơn và những chế tài xử phạt cũng rất cụ thể. FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP, có thể có tác động rất lớn, làm thay đổi thể chế của chúng ta”, ông Huỳnh nói.
Thống kê về tác động thực tế của các FTA đã ký cho thấy, Việt Nam đã thu hút được nhiều hơn nguồn vốn công nghệ. 70% nước đầu tư vào Việt Nam là các nước đã có FTA với Việt Nam và khoảng 34% vốn FDI liên doanh liên kết với doanh nghiệp Việt Nam có FTA. Nhiều ngành hàng sản xuất và xuất khẩu có lợi thế hơn từ việc loại bỏ thuế quan theo các FTA. Ngoài ra, môi trường kinh doanh thông thoáng và an toàn hơn cũng là điểm dễ nhìn thấy khi Việt Nam tham gia các FTA.
Tuy nhiên, khi tham gia các sân chơi này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được đầy đủ các lợi ích thuế quan từ FTA do không biết, không đáp ứng được các điều kiện về quy tắc xuất xứ, hay do thủ tục trình tự cấp C/O ưu đãi phức tạp… Một vấn đề đáng buồn nữa là việc tận dụng tỷ lệ C/O ưu đãi trên kim ngạch xuất khẩu còn rất thấp. Chẳng hạn, với những ưu đãi của Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam khai thác được hơn 70%; còn với các nước khác lại chỉ được khoảng 20%, thậm chí có những ưu đãi chúng ta bỏ trống (theo dữ liệu từ Bộ Công thương và VCCI). Đối với xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam dù có tăng nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô, hàng gia công, trong khi đó, các doanh nghiệp FDI tận dụng những ưu đãi này tốt hơn nên tỷ trọng xuất khẩu của những doanh nghiệp FDI ngày càng tăng từ dưới 50% (2000 - 2002) lên hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn, với những FTA mới, không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan chức năng cần rút ra bài học kinh nghiệm từ việc hội nhập những FTA trước đây. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, khác với giai đoạn trước đây, khi doanh nghiệp ít tham gia và biết đến những cuộc đàm phán và hiệp định thương mại, ở giai đoạn này, mọi cuộc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại đều phải có sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh, dù đối với các FTA thế hệ mới, Nhà nước đã chủ động hơn trong việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng thực tế, cộng dồng doanh ngiệp chưa đóng góp được nhiều ý kiến hữu ích cho các quá trình đàm phán này.