Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 2 tháng đầu năm 2014 vào cuối tuần trước, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa. Nguyên nhân chủ yếu là do sau Tết, lượng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư chảy mạnh vào hệ thống, do các kênh đầu tư không mấy sáng sủa.
Bởi dư thừa thanh khoản nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm. Và cũng do dư thừa thanh khoản, nên các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ, khiến các phiên đấu thầu gần đây tỷ lệ thành công khá lớn và mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm xuống.
Thông tin được đưa ra từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 2/2014, cơ quan này đã tổ chức 7 phiên đấu thầu, huy động được 25.070 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, tăng 15,9% so với tháng 1. Mặt bằng lãi suất đã giảm từ 0,32 - 0,62%/năm so với lãi suất huy động tháng 1.
Không chỉ đổ tiền vào kênh trái phiếu chính phủ, các ngân hàng còn mạnh tay mua vào tín phiếu NHNN. Theo thống kê, trong tuần từ 24 - 28/2, NHNN đã phát hành tới 20.910 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về.
Trong bối cảnh thừa thanh khoản, song đầu ra của tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng đã tính tới bài toán giảm lãi suất huy động. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết, một số ngân hàng đã giảm sâu lãi suất huy động VND từ cách đây 3 tháng, xuống mức 5%/năm.
“Một khi các ngân hàng dư thừa vốn thì việc giảm lãi suất huy động và cho vay cũng là hợp lý. Tuy nhiên, nếu lãi suất huy động quá thấp, không còn hấp dẫn người gửi tiết kiệm, rất có thể xảy ra sự chuyển dịch dòng vốn sang thị trường vàng, chứng khoán…”, ông Hưởng nói.
Đồng tình quan điểm này, Tổng giám đốc một NHTM cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng ông dù vẫn đang ổn định, nhưng đã có một phần dịch chuyển sang TTCK.
Chứng khoán “hút” bớt dòng tiền
Hai tháng đầu năm, TTCK đã có chuỗi dài phiên tăng điểm, chỉ số VN- Index tăng 16,2% và HNX-Index tăng 22,5%, tương đương với mức tăng của cả năm 2013. Đặc biệt, thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, bên cạnh dòng tiền từ khu vực dân cư, thì trong lượng kiều hồi khoảng 2 tỷ USD chuyển về nước trong tháng Giêng năm 2014, chắc chắn sẽ có phần đi vào TTCK.
Chủ tịch HĐQT một NHTM cổ phần nhận định, TTCK đang thu hút dòng tiền đầu tư, bởi lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm xuống rất nhiều, vàng không còn “lấp lánh” nữa và thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Hơn thế, TTCK khởi sắc hơn cũng được hỗ trợ bởi các thông tin như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, công cuộc cổ phần hóa DN Nhà nước đang được Chính phủ chỉ đạo một cách quyết liệt, nền kinh tế vĩ mô đang có những tín hiệu khởi sắc hơn. Ví dụ như nợ xấu đã giảm từ mức 4,6 trong tháng 9/2013 xuống còn 3,6% trong tháng 2/2014.
Còn theo nhận định của Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC: “Lĩnh vực sản xuất tháng 1, 2 tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam với sản lượng và việc làm cùng gia tăng”.
Giám đốc điều hành EuroCham Csaba Bundik nói: “Kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam trong quý I/2014 vượt trên mức trung bình, từ 50 năm 2012 lên 59 điểm là một tin tốt, là dấu hiệu phục hồi rõ ràng của nền kinh tế. Điều này cho thấy, các công ty châu Âu đang lấy lại niềm tin vào thị trường Việt Nam, mà đi cùng với một thời điểm rất thuận lợi là việc ký kết Hiệp định thuế quan (FTA) EU-Việt Nam”.
“Không loại trừ việc dòng vốn ngoại vào TTCK nhằm đón lõng những cổ phiếu được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới như tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ…”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nói.
Cần rất thận trọng
Dù nhìn nhận dòng tiền đang đổ mạnh vào TTCK không nhất thiết phải tiền gửi tiết kiệm, bằng chứng là tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu TTCK tăng nóng như giai đoạn 2006 - 2007 sẽ tạo nên những tác động không tốt trở lại đối với hệ thống ngân hàng.
“Giai đoạn hiện nay chưa có hiện tượng đó, nhưng nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ xu hướng của TTCK. Nếu dòng tiền chảy quá mạnh, quá nóng có thể tạo nên bong bóng thị trường như mấy năm trước. Đến khi quả bóng này xì hơi, nền kinh tế sẽ lại rơi vào khủng hoảng”, TS. Lực nói.
TS. Nguyễn Đức Hưởng cũng cảnh báo: “Nếu nguồn vốn chuyển dịch mạnh sang thị trường vàng, chứng khoán hay bất động sản thì hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ lại rơi vào cái bẫy thanh khoản. Khi đó, rối loạn hệ thống là điều dễ xảy ra”.