Thưa ông, lãi suất đang trên đà giảm liệu có kích được tín dụng?
Lãi suất giảm gần đây là do quan hệ cung – cầu. Trong những năm trước, lãi suất tăng cao một phần do lạm phát kỳ vọng cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, lạm phát đã được kiểm soát ở mức 6 - 6,5%. Khả năng lạm phát kỳ vọng trong năm nay cũng sẽ ổn định ở mức này. Đây là chỉ báo để lãi suất có thể giảm thêm trong thời gian tới. Mặt khác, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện tốt, nên lãi suất giảm cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc kéo giảm lãi suất so với khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng vẫn còn khoảng cách. Nguyên nhân là do không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp. Do đó, tình hình thừa tiền - thiếu vốn sẽ còn tiếp diễn trong năm nay và chưa thể sớm chấm dứt, khi mà việc giải quyết nợ xấu, hấp thụ vốn, cũng như khả năng phục hồi sức mua của thị trường chưa thể cải thiện nhiều. Vì thế, việc hấp thu vốn của nền kinh tế năm nay có thể tốt hơn, nhưng tín dụng vẫn khó chảy mạnh.
Hiệu ứng giảm lãi suất gần đây có tác động tích cực lên tổng cầu của thị trường, thưa ông?
Để đánh giá được tổng cầu phải xét trên nhiều yếu tố: tổng khối lượng tiền tệ, chi tiêu của người dân, chi tiêu đầu tư của Chính phủ và một số yếu tố khác liên quan đến xuất, nhập khẩu…
Vì thế, xu hướng lãi suất giảm trước mắt chỉ tác động đến tổng khối lượng tiền tệ. Nhưng muốn tăng được tổng cầu, phải căn cứ vào các yếu tố còn lại. Hiện tại, chưa thể đánh giá được ngay việc tăng tổng cầu, nhưng nếu tình hình kinh tế những tháng tiếp theo có dấu hiệu tốt, thì tổng cầu có thể tăng. Song trong chính sách vĩ mô hiện nay, việc tăng tổng cầu với tổng cung phải tính toán dựa trên các giải pháp đồng bộ. Nếu chỉ tăng tổng cầu, nhưng không tăng được tổng cung, thì sẽ dẫn đến lạm phát.
Với mặt bằng lãi suất hiện nay, liệu doanh nghiệp đã có kế hoạch vay vốn?
Vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp lúc này không chỉ là lãi suất giảm, mà sức mua thị trường phải tăng để cải thiện tồn kho.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong năm nay sẽ tốt hơn năm 2013, nhưng để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh là rất khó. Một số doanh nghiệp sản xuất lớn, chẳng hạn như Tôn Hoa Sen cho biết, với lãi suất hiện nay, họ chưa vội vay vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Sức hấp thu vốn chưa cao, nhưng vì sao dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng lại có thời điểm tăng vọt (quý IV/2013)? Liệu tình trạng tín dụng giật cục này có lặp lại trong cuối năm nay?
Việc tín dụng một số ngân hàng tăng mạnh trong quý IV/2013 có thể một phần do nhu cầu vốn của khách hàng tăng. Mặt khác, trong quá trình tính toán tăng trưởng dư nợ tín dụng, ngoài phần vốn cho vay khách hàng, có thể các ngân hàng còn cộng thêm cả phần vốn mua trái phiếu…
Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay, theo tôi, không khó để có thể đạt được khi lãi suất giảm, những doanh nghiệp tốt đã vượt qua khó khăn và đang hồi phục dần, có thể vay vốn để tái đầu tư, cũng như sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dư nợ sẽ tăng đột biến, khi nợ xấu vẫn là cục “máu đông” làm nghẽn tín dụng.
Việc áp dụng các quy định mới về phân loại nợ, cũng như trích lập dự phòng tại Thông tư 02 vào tháng 6/2014 có khiến nợ xấu của ngân hàng giă tăng?
Thông tư 02 đã được ban hành từ năm 2013 và dự kiến áp dụng từ tháng 6/2013, nhưng sau đó, phải hoãn tới tháng 6/2014. Tôi cho rằng, nếu áp dụng quá sớm các quy định của Thông tư 02 chưa hẳn ngân hàng nào cũng có thể đáp ứng kịp. Vì thế, theo tôi, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế là tốt cho hệ thống ngân hàng, nhưng cũng cần có lộ trình. Bởi mục tiêu của việc xử lý bài toán ngân hàng Việt Nam là không để xảy ra đổ vỡ. Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 02, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, nhưng mức độ nguy hiểm không còn quá lo ngại như trước.