Giáp Tết, ngân hàng vẫn thừa tiền mặt

(ĐTCK) Những ngày cận Tết, các ngân hàng vẫn đổ tiền vào mua trái phiếu chính phủ, không có cảnh căng thẳng thanh khoản thường thấy trong khoảng thời gian này. Đây là diễn biến đi ngược với chu kỳ của các năm trước.
Giáp Tết, ngân hàng vẫn thừa tiền mặt

Đột biến giao dịch

Tổng lượng phát hành tháng 1/2014 của trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu chính phủ bảo lãnh tính đến chiều ngày 24/1/2014 đã đạt 21.631 tỷ đồng, vượt 61% so với khối lượng trúng thầu của tháng này năm ngoái.

Khối lượng trên cũng vượt hẳn lượng phát hành của tháng 11 và tháng 12 năm 2013, thậm chí lên mức cao tương đương với khối lượng phát hành của tháng 4 - giai đoạn thị trường trái phiếu có diễn biến sôi động nhất.

Diễn biến này đi ngược lại với chu kỳ của mọi năm, khi mà  trong tháng giáp Tết, các ngân hàng thường phải tập trung tiền cho thị trường dân cư, khiến trái phiếu rơi vào cảnh sụt giảm ảm đạm.

Tháng 1/2013 tổng lượng phát hành của TPCP và trái phiếu chính phủ bảo lãnh chỉ đạt 13.460 tỷ đồng, bằng 50% tháng tháng kề trước. Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách thậm chí không tổ chức cuộc đấu thầu nào trong tháng này. Sự sụt giảm của trái phiếu trong thời gian trước Tết cũng diễn ra tương tự trong các năm trước đó.

Trên thực tế, thanh khoản vẫn căng thẳng ít nhiều trong những tuần giáp Tết. Trong tuần thứ hai của tháng 1, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên tới 4%, lãi suất kỳ hạn 1 tuần lên 4,2 - 4,4%, kỳ hạn 3 tuần là 4,8 - 5,3% và kỳ hạn 1 tháng lên tới 5,3 - 5,5%.

... từ nhu cầu tăng cao

Lượng đăng ký dự thầu trái phiếu liên tục vượt xa tổng lượng chào bán của Kho bạc và Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách. Tổng lượng đăng ký của cả TPCP và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đã lên tới gần 53.000 tỷ đồng trong tháng giáp Tết, gấp đôi tổng lượng gọi thầu và vượt 33% so với tổng lượng đăng ký của cùng kỳ năm ngoái.

Riêng Ngân hàng Phát triển đã tổ chức 5 phiên đấu thầu trong tháng, huy động được 8.737 tỷ đồng. Lượng đăng ký dự thầu của các nhà đầu tư đối với trái phiếu này đạt gần 24.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với tổng lượng gọi thầu. Ngân hàng cũng đã huy động được cả trái phiếu 10 năm trong thời gian này với khối lượng 800 tỷ đồng và lãi suất 9,2%/năm.

Ngân hàng Chính sách cũng huy động được 632 tỷ đồng trái phiếu trong thời gian này. Lượng đăng ký mua gấp đôi tổng lượng gọi thầu, đạt 2.100 tỷ đồng.

Sự đảo ngược trong nhu cầu mua TPCP của tháng 1 năm nay phản ánh đúng diễn biến lạm phát. Khác với các tháng giáp Tết của các năm trước đó, CPI tháng 1 năm nay chỉ tăng vẻn vẹn 0,7% tại Hà Nội và tăng 0,4% tại TP. HCM.

Mức tăng thấp hơn cả dự báo này đã khiến giới đầu tư và phân tích dự báo rằng, CPI cả nước tháng 1 và cả tháng 2 sẽ vẫn tiếp tục thấp. Cũng trong tuần vừa rồi, CTCK Vietcombank đã điều chỉnh lại dự báo CPI chung của cả nước xuống 0,6 - 0,7% từ mức dự báo 0,9-1% so với trước đó. Con số dự báo mới này tương đương với mức tăng chỉ 5,3 - 5,4% so cùng kỳ với năm trước.

“Đây là mức thấp nhất của CPI tháng 1 trong 5 năm qua”, CTCK Vietcombank viết trong báo cáo. “Tính đến diễn biến lạm phát gần đây và tổng cầu yếu, chúng tôi cũng kỳ vọng CPI của tháng 2 cũng sẽ không vượt quá 1% so với tháng trước và 5% so với năm trước.”

“CPI thấp hơn so với kỳ vọng sẽ khiến giá trúng thầu trái phiếu giảm tiếp trong những tuần tới, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đang ưa thích trái phiếu”, CTCK Vietcombank viết.

Nhu cầu mua TPCP theo đó vẫn tiếp tục nóng cho đến những ngày sát Tết. Một giao dịch viên trái phiếu cho biết, những ngày gần đây, anh luôn bận rộn với các yêu cầu mua trái phiếu từ phía các ngân hàng.

“Khác với mọi năm, ngân hàng đến sát Tết vẫn thừa tiền. Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát lại thấp như vậy khiến TPCP trở nên nóng cho đến tận những ngày cuối năm”, giao dịch viên này nói.

Nhu cầu mua trái phiếu lớn bất chấp việc giá trái phiếu đã không còn rẻ. Trong phiên đấu thầu gần nhất ngày 21/1, lãi suất phát hành trái phiếu Kho bạc đã giảm xuống 6,77%/năm đối với kỳ hạn 2 năm, 7,19% đối với kỳ hạn 3 năm và 8,19%/năm đối với kỳ hạn 5 năm.

Lãi suất huy động của Ngân hàng Phát triển là 7,95 - 8,09%/năm đối với kỳ hạn 2 năm, 8,3 - 8,35%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và là 9,2 - 9,29%/năm đối với kỳ hạn 5 năm.

Trong khi đó, giới quan sát đang kỳ vọng nhu cầu đầu tư sẽ chuyển dần sang trái phiếu có kỳ hạn dài hơn - cụ thể là kỳ hạn 5 năm, khi mà lợi suất của các kỳ hạn ngắn đã xuống rất thấp.

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục