Hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm bẩn đã bị phát hiện
Nguyên nhân khiến các đối tượng này “nhờn thuốc” là do lợi nhuận thu được quá lớn, trong khi chế tài xử phạt lại quá nhẹ.
Vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây nhất là cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra kho đông lạnh Nhan Lý (5B/19K - Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và phát hiện 584 thùng gồm 12 tấn thịt bò đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối, được nhập khẩu từ Aastralia, Canada, đã hết hạn sử dụng từ tháng 1/2012. Nếu không bị ngăn chặn kịp thời, số hàng trên sẽ được tuồn vào các nhà hàng, quán ăn và khó có thể lường trước hậu quả sẽ như thế nào.
Người tiêu dùng chưa kịp hoàn hồn với vụ việc trên, thì cơ quan chức năng lại phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thực phẩm bẩn khác. Cụ thể, ngày 24/12, các lực lượng chức năng TP. Hà Nội phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 99C-001.28 vận gần 1.000 kg nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy. Trước đó, ngày 16/12, tại Thanh Hóa, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát 77C - 04047 đang vận chuyển gần 2 tấn thịt lợn thối đi tiêu thụ.
Ngày 22/12, lực lượng chức năng Bắc Giang đã phát hiện xe khách biển kiểm soát 12B- 0050 đi hướng Hà Nội- Lạng Sơn chở 7 thùng nội tạng động vật không có hóa đơn chứng từ...
Một trong những nguyên nhân khiến thịt bẩn, thực phẩm bẩn vẫn hoành hành dữ dội trên thị trường, bất chấp nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý trước đó là lợi nhuận thu được quá lớn trong khi chế tài xử phạt quá nhẹ. Đơn cử, lô hàng 12 tấn thịt bò nhập khẩu bẩn quá hạn 2 năm tại TP.HCM được nhập với giá 5.000 đồng/kg, nhưng nếu đưa ra thị trường chót lọt thì giá sẽ đội giá lên khoảng 30 lần, ở mức 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Theo đại tá, PGS-TS Trần Vi Dân, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định đầy đủ các hình thức xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, song muốn khởi tố, bắt đối tượng đầu độc người tiêu dùng thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi của họ gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thực tế, đa phần những chất độc được “độn” vào thực phẩm không gây tác hại ngay, mà sẽ ảnh hưởng lâu dài, gây các bệnh hiểm nghèo. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng mỗi năm có hàng nghìn vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện, song không có vụ nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng.
Chỉ còn vài ngày nữa là Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực (ngày 31/12/2013). Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng (với cá nhân) và 200 triệu đồng (với tổ chức), gấp đôi so với mức hiện hành. Hy vọng rằng, với mức phạt nghiêm khắc hơn, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giảm bớt, để người dân có một cái tết cổ truyền bình yên.