Đứng đầu Top 10 Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020 là Công ty cổ phần An Tiến Industry. Vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt thuộc về Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khai Anh - Bình Thuận đều là những gương măt khá mới.
Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.
Theo đánh giá của nghiên cứu bởi Vietnam Report, giai đoạn 2015-2019, doanh nghiệp FAST500 tăng trưởng khá ổn định với tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình khoảng 28%.
Xét theo khu vực kinh tế, giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện rõ vai trò tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà, với mức CAGR trung bình lớn nhất, 30,1%. Số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Top 500 với tỷ lệ 74,2%.
Xét trên khía cạnh ngành nghề, khoảng vài năm trở lại đây, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ, viễn thông - công nghệ thông tin tiếp tục là những ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao trong Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020.
Top 5 yếu tố đóng góp cho tăng trưởng doanh nghiệp FAST 500
Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp FAST500 qua 10 năm công bố nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt, những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công và định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo đó, những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2015 - 2019), dẫn đầu là yếu tố tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (52,1%), theo sau là phát triển các dòng sản phẩm mới (47,9%), mở rộng thị trường hiện có (45,8%), phát triển các phân khúc thị trường mới (35,4%) và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh (25%).
Trong ba năm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp FAST500 đều cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là nguyên nhân chủ yếu tạo đà cho tăng trưởng của doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường và phát triển các dòng sản phẩm mới.
5 thách thức tăng trưởng - 4 chiến lược ưu tiên
Biến động thị trường do tác động của dịch bệnh Covid-19; Sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh; Chi phí đầu vào tăng; Các thủ tục hành chính phức tạp; Lo lắng về những bất ổn trong môi trường kinh doanh được các doanh nghiệp FAST500 cho là 5 thách thức và rào cản lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp FAST500 trong bối cảnh hiện tại.
Theo Vietnam Report, sự “đứt gãy” cả về cung và cầu sẽ bị kéo dài trên toàn cầu cho đến khi vắc-xin chống Covid-19 được sử dụng rộng rãi (dự báo nhanh nhất là đến giữa năm 2021), nhưng những hậu quả kinh tế sẽ tồn tại dai dẳng trong trung hạn và dài hạn.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn cầu có quy mô tương đương đại suy thoái năm 1930 là có thể xảy ra. Nền kinh tế và xã hội toàn cầu sẽ không bao giờ trở lại tình trạng “bình thường” như trước đại dịch, với sự nổi lên của các quan điểm phát triển mới, các xu hướng mới và luật chơi kinh tế mới.
Nhìn chung, các doanh nghiệp FAST500 nhận định rằng sẽ tập trung vào 4 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là: Nỗ lực tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (79,2%); cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng suất (66,7%); giới thiệu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (41,7%); cắt giảm chi phí (39,6%).
Riêng đối với vấn đề nhân lực, do ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp FAST500 đang lựa chọn giải pháp chiến lược Tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp và Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu nhằm tinh gọn bộ máy lao động thích ứng trong bối cảnh mới.
Ngành nào sẽ lên ngôi trong ba năm tới?
Trong số những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tiếp theo, Top 5 ngành được nhiều doanh nghiệp FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Viễn thông - Công nghệ thông tin, Nông nghiệp sạch, Công nghệ sạch, Bán lẻ và Y tế - Dược phẩm.
Điều này cũng thể hiện đúng theo xu hướng và định hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp trong nước, đó là hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch - công nghệ sạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa, học máy và trao đổi dữ liệu; giảm thiểu thời gian cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình giao nhận và tăng cường sự kết nối giữa các quốc gia.
Song song với đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe luôn là yếu tố được chú trọng hàng đầu, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.
Doanh nghiệp FAST500 vẫn mong chờ cải thiện môi trường pháp lý
Trong nhiều đợt khảo sát các doanh nghiệp FAST500 hàng năm, phản hồi của hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường pháp lý luôn là những vấn đề gây “đau đầu” cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà hoạch định chính sách.
Bên cạnh 3 kỳ vọng hàng đầu, hỗ trợ có hiệu quả các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm mới của ngành và giảm lãi suất tín dụng cũng là chính sách mà các doanh nghiệp mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2020.
Đối với doanh nghiệp, đây đều là những khuyến nghị chính sách cần được ưu tiên nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, kể từ năm 2018, cải thiện môi trường pháp lý cũng trở thành một trong những chính sách được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện môi trường pháp lý là “chìa khóa” để hỗ trợ doanh nghiệp bước qua cánh cửa hội nhập thành công, đón đầu những cơ hội mà các hiệp định RCEP, CPTPP và EVFTA có thể mang lại, đồng thời tiếp tục ổn định nền tảng để tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng vững bền.
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều cơ hội và thách thức từ cả trong và ngoài nước.
Năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả bứt phá, tốc độ tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra, đạt 7,02% mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế toàn cầu và khu vực có xu hướng tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, giá cả hàng hóa biến động mạnh…
Hiện tại, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh, đầu tư và tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, với những cơ hội và thách thức, rủi ro khó lường, hi vọng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ về nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách thuế sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ở một khía cạnh khác, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình bằng việc tái cấu trúc bộ máy, tích cực tìm kiếm thị trường lẫn nguồn cung ứng mới, giảm lệ thuộc vào một thị trường, tránh dẫn đến bị động trước các yếu tố bất ngờ từ bên ngoài.