Những tháng đầu năm 2020, khủng hoảng do dịch Covid-19 ập đến khiến các nước phải lao đao, bị tổn thất nặng nề về cả người và kinh tế do không kịp trở tay, trong đó có những nước hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, quốc tế đánh giá Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng về phục hồi kinh tế và nâng tầm vị thế thương hiệu Việt nhờ đi trước một bước trong công tác phòng chống dịch. Với sự chủ động ứng phó sớm này, Việt Nam đã thành công bước đầu khi thiết lập trạng thái bình thường cho toàn xã hội, bước vào giai đoạn tập trung vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, đón đầu các cơ hội phát triển và tăng tốc trong những năm sắp tới.
Nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ trọng lên đến trên 95%, năng lực cạnh tranh không cao, đại đa số có thâm niên dưới 10 năm, nên nguồn lực phát triển còn mỏng.
Trong số 50 doanh nghiệp lớn được Forbes Việt Nam công bố năm 2019 với tổng giá trị 9,3 tỷ USD, chỉ có 20 doanh nghiệp được định giá thương hiệu trên 100 triệu USD. Doanh nghiệp được định giá cao nhất là Vinamilk 2,2 tỷ USD, Viettel 2,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 100 lần so với doanh nghiệp hàng đầu thế giới là Apple đang được định giá là 234 tỷ USD.
Trong nhóm 50 thương hiệu được xếp hạng, nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có 10 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao xét theo giá trị. Trong khi đó, các ngành phụ trợ nông nghiệp, chứng khoán, du lịch và dịch vụ lưu trú chỉ có một đại diện, cho thấy các lĩnh vực này quy mô phát triển chưa thực sự tốt.
Ngay cả những doanh nghiệp thuộc top đầu, sự phát triển cũng chưa đồng đều với khoảng cách 170 lần giữa thương hiệu đứng đầu danh sách và thương hiệu đứng cuối danh sách có giá trị chỉ vào khoảng 13 triệu USD.
Bà Nguyễn Hương
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách so với các thương hiệu hàng đầu thế giới và từng bước nâng cao giá trị thương hiệu Việt, đặc biệt là trong giai đoạn các doanh nghiệp đang dần suy yếu do khủng hoảng dịch bệnh, cần thiết phải có các giải pháp cấp thiết trong ngắn hạn để tái khởi động và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp sau dịch bệnh thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và từng bước mở cửa ra thị trường các nước tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các nơi.
Tuy nhiên, trong dài hạn, cần có chiến lược phát triển ngành để nâng cao vị thế cạnh tranh trong và ngoài nước của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, đủ năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Thương hiệu quốc gia
Theo Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với năm 2018) và xếp hạng thứ 42, tăng 8 bậc.
Thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm vừa qua và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các nỗ lực hỗ trợ thương hiệu sản phẩm Việt, cũng như doanh nghiệp nâng cao giá trị đối với thị trường trong và ngoài nước và thành quả tích cực trong tăng trưởng GDP dẫn đầu khu vực, đã mang lại môi trường ngày càng tốt hơn cho nhà đầu tư.
Trong giai đoạn 2020 - 2030, Chính phủ đã có các giải pháp để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những hạn chế, rào cản trong cơ chế, thủ tục, Chính phủ cần xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam.
Chương trình nâng cao vị thế Thương hiệu quốc gia cần gắn liền với việc xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam dựa trên các tiềm năng và lợi thế sẵn có, nhằm phát huy năng lực cạnh tranh theo các lĩnh vực ngành nghề và tiềm lực phát triển trong dài hạn của các doanh nghiệp.
Tái định vị toàn diện
Hiện nay, Chính phủ cùng với Bộ Công thương đã đặt mục tiêu có 1.000 sản phẩm phải đạt Thương hiệu quốc gia, đồng thời có nhiều chương trình đồng hành cùng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Ngoài ra, cố gắng nâng cao nhận thức của 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Đã đến lúc nhìn lại bức tranh tổng thể về hiện trạng của năng lực doanh nghiệp Việt so với sự phát triển chung của các doanh nghiệp cùng ngành của các nước phát triển. Theo đó, cần nhận diện rõ những điểm hạn chế, yếu kém và đưa ra các mục tiêu phát triển để rút ngắn khoảng cách so với mặt bằng chung của các nước.
Cơ hội và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt là rất lớn, tuy nhiên cần thiết phải có chiến lược quốc gia trong việc đẩy mạnh vị thế thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp gắn liền với việc không ngừng nâng cao Thương hiệu quốc gia.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com