Nhà phân phối công nghệ giải bài toán tăng trưởng

(ĐTCK) Phải đóng cửa nhiều cửa hàng kinh doanh trong vùng dịch, các doanh nghiệp phân phối hàng công nghệ niêm yết trên sàn chứng khoán đã kịp đẩy mạnh kênh online để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Nhà phân phối công nghệ giải bài toán tăng trưởng

Ðẩy mạnh kênh online…

Tại Việt Nam, chi phí mặt bằng bán lẻ rất cao, có thể chiếm đến 20 - 40% tổng doanh thu ở nhiều cửa hàng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay, lượng khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều chủ hộ kinh doanh thua lỗ lớn, phải trả lại hoặc sang nhượng mặt bằng.

Ðiều này khiến không ít nhà đầu tư quan ngại các doanh nghiệp phân phối hàng công nghệ có chuỗi cửa hàng rộng khắp, tại nhiều vị trí đắc địa sẽ khó cân đối bài toán doanh thu - chi phí.

Theo ông Ðoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc CTCP Thế giới số (DGW), mô hình kinh doanh của DGW có tính co duỗi cao, do chi phí cố định thấp (chi phí thuê kho, trụ sở, lương cứng của nhân viên…) và không có sự biến động lớn.

Còn các chi phí biến đổi như chi phí tài chính, bán hàng thì đi theo doanh thu. Nói cách khác, do là nhà phân phối sỉ, nên bán được hàng thì phát sinh chi phí, không bán hàng thì không phát sinh nhiều.

Chưa kể, hệ thống kênh phân phối của DGW hướng đến gồm cả kênh online, offline và những tháng qua, doanh thu kênh online đang tăng đột biến.

Ông Việt cho rằng, đây là điểm khác biệt của Công ty với các nhà bán lẻ - vốn phải chịu chi phí mặt bằng lớn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào nhanh nhạy đẩy mạnh được kênh bán hàng online sẽ đỡ bị tác động tiêu cực hơn.

Trên thị trường chứng khoán, hiện đang có hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ là CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) và CTCP Thế giới di động (MWG). FRT có khoảng gần 600 cửa hàng FPT Shop, 80 cửa hàng thuốc Long Châu tại thời điểm cuối năm 2019. Còn MWG có 3.111 cửa hàng, tính đến cuối tháng 2/2020. Với quy mô chuỗi lớn, cả hai doanh nghiệp đang có những giải pháp riêng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nhà phân phối công nghệ giải bài toán tăng trưởng  ảnh 1

Cụ thể, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, FRT cho biết, mỗi cửa hàng FPT Shop duy trì tối đa 5 nhân viên/ca. Ðối với các cửa hàng hiện đang phải tạm đóng cửa thì hỗ trợ giao hàng qua kênh online.

Tuy nhiên, FRT cho rằng, là một doanh nghiệp bán lẻ, chi phí thuê mặt bằng là chi phí lớn nhất trong các chi phí của Công ty. Vì vậy, khi các cửa hàng phải đóng cửa theo yêu cầu sẽ làm sụt giảm doanh thu đáng kể, FRT mong muốn Chính phủ có sự hỗ trợ, tác động đến các chủ nhà trong vùng dịch thông qua việc ban hành quy định và hướng dẫn về việc không tính tiền nhà trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa theo yêu cầu.

Ngoài ra, FRT cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ về tiền lương nhân viên, miễn giảm, hoãn đóng thuế; miễn giảm lãi vay, khoanh hay giãn nợ.

Ðối với MWG, Công ty ứng phó linh hoạt với các diễn biến và đưa ra giải pháp “cứng rắn” trong chi phí thuê mặt bằng.

Công ty đang thương lượng với các chủ nhà để giảm giá thuê 50% hoặc miễn phí thuê trong thời gian phải đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Trong trường hợp đối tác quá cứng nhắc, không chia sẻ cùng Công ty, MWG sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn.

Ðối với nhân sự, MWG hạn chế tuyển dụng mới, chỉ tuyển mới cho bộ phận công nghệ thông tin và chuỗi Bách Hoá Xanh, sau khi đã trừ đi điều chuyển nội bộ. Ðồng thời, Công ty cũng làm việc cùng cơ quan nhà nước để xin hoãn/giảm các khoản phí liên quan đến người lao động…

Tuy nhiên, MWG cũng nhìn nhận, những khó khăn trong năm 2020 đối với chuỗi Ðiện Máy Xanh và Thế giới di động khi mà tổng cầu tiêu dùng điện thoại và điện máy năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của người dân và các sự kiện thể thao bị dời sang năm 2021.

Ngược lại, MWG cũng có thuận lợi khi kênh online được hỗ trợ tuyệt đối, với nền tảng IT mạnh, hệ thống ERP kiểm soát chặt chẽ, điều chuyển hàng hóa từ nơi thừa đến nơi thiếu, tối ưu hàng tồn kho, hạn chế tình trạng khách có nhu cầu nhưng không có hàng hóa để bán.

MWG đã xây dựng kịch bản kinh doanh cùng nhà cung cấp, các phương án đối phó trong diễn biến xấu như hoãn thời gian nhận hàng, huỷ một phần đơn hàng, giãn thời gian trả tiền hàng hoá nếu cần thiết. Các mặt hàng lớn đã được lên đơn đặt hàng từ cuối 2019 nên không lo việc thiếu hàng.

… Giúp doanh nghiệp vượt khó

Ðối với doanh nghiệp phân phối sỉ ICT như DGW, ông Việt cho biết, hàng hóa có gián đoạn đôi chút trong tháng 2 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, nhưng hiện nay, Trung Quốc đã thông quan trở lại và thông tin tích cực là nhãn hàng Xiaomi (chiếm 40% doanh số DGW) vừa tổ chức online lễ ra mắt một sản phẩm mới ở Việt Nam. Vì vậy, Công ty không bị thiếu hàng và không bị ảnh hưởng mạnh trong quý I.

Ngành hàng DGW đang kinh doanh nhìn chung không bị sụt giảm. Ghi nhận của Công ty, cầu về thiết bị công nghệ để kết nối làm việc từ xa đang tăng, điều này đóng góp vào tăng trưởng tích cực cho Công ty trong quý I/2020.

Nhà phân phối công nghệ giải bài toán tăng trưởng  ảnh 2

Nguồn BCTN 2019 MWG.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), năm 2019, DGW đã có trong tay hợp đồng phân phối dòng sản phẩm dinh dưỡng y học cho Nestlé - là dòng sản phẩm cần thiết cho người bệnh, nên doanh số khá ổn định. Năm 2020, DGW sẽ bắt tay cùng với Unilever để phát triển thị trường cho một số dòng sản phẩm của tập đoàn này.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, DGW vẫn giữ nguyên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với doanh thu 10.200 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng, tăng 25,5%.

Ðối với MWG, ưu tiên hàng đầu của Công ty trong năm 2020 là đảm bảo dòng tiền lành mạnh, chuẩn bị cho các chương trình thúc đẩy bán hàng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Công ty sẽ dồn toàn lực cho chuỗi Bách Hoá Xanh và không có kế hoạch mở rộng các mảng kinh doanh khác trong năm nay.

Xác định điều kiện kinh doanh nửa đầu năm 2020 có nhiều thay đổi, khó có thể đưa ra một kịch bản chính xác về dịch bệnh Covid-19 nên MWG cho rằng, mọi ước tính thời điểm hiện tại có mức độ dao động lớn, nhưng kế hoạch của MWG vẫn đảm bảo những cam kết về thị phần sẽ tiếp tục gia tăng ở cả ba chuỗi.

MWG cho biết, chuỗi Bách Hóa Xanh có gặp khó khăn khi hàng hóa nhập khẩu có thời gian giao hàng chậm hơn và một số nguồn hàng có thể bị gián đoạn do lệnh phong tỏa ở một vài quốc gia (hàng nhập khẩu chiếm dưới 10% tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh).

Ðồng thời, tình trạng thiếu hàng cục bộ đối với một số loại sản phẩm FMCG do người dân tích trữ hàng, nhưng không dẫn tới trống quầy kệ do các nhà cung cấp nhanh chóng bổ sung nguồn hàng. Ngoài ra, giá mua đầu vào của 50% các mặt hàng tươi sống tăng 5 - 10% do nhu cầu cao.

Doanh thu tháng 3 của MWG đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng dương 12% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự đóng góp tích cực của chuỗi Bách Hoá Xanh.

Mảng doanh thu online có xu hướng tăng, chiếm 10% tổng doanh thu tháng 3; trong đó, tỷ trọng doanh thu online của Thế giới di động và Ðiện Máy Xanh so với tổng doanh thu hai chuỗi này vào khoảng 13%, tương tự giai đoạn cuối 2019.

MWG cho biết, tổng số cửa hàng Thế giới di động và Ðiện Máy Xanh đã đóng cửa đến cuối tháng 3/2020 là khoảng 10%, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện bình thường. Phần lớn cửa hàng đã đóng là tại Hà Nội. Các cửa hàng đóng cửa vẫn phục vụ giao các đơn hàng online.

Còn với FRT, tính đến hết tháng 2, kết quả kinh doanh vẫn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên sang tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát, đang thấy dấu hiệu doanh thu giảm nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Mảng laptop của FPT Shop ghi nhận tăng trưởng với doanh số tháng 2/2020 tăng 79% so với tháng 1 và tháng 3, tăng 172% so với tháng 1.

Doanh thu của kênh Ecommerce từ ngày 28/3 đến nay có sự tăng trưởng mạnh vào khoảng 40% ở các khu vực tạm ngưng phục vụ tại cửa hàng. Nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm mobile, tablet và laptop vẫn rất lớn, đặc biệt cho nhu cầu học tập, làm việc và giải trí tại nhà.

Hiện FRT cũng đang đẩy mạnh online, giao hàng tận nhà miễn phí và đưa ra một số chương trình khuyến mãi cho khách hàng trong thời gian này.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục