Evergrande thanh toán lãi quá hạn cho trái phiếu nước ngoài, tránh được tình trạng vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (22/10), tờ Securities Times của Trung Quốc cho biết, Evergrande đã thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/9 trước thời hạn ân hạn 30 ngày kết thúc vào thứ Bảy (23/10).
Evergrande thanh toán lãi quá hạn cho trái phiếu nước ngoài, tránh được tình trạng vỡ nợ

Điều này đã giúp Evergrande ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và phiếu của Evergrande đã tăng hơn 4% sau thông tin này.

Khoản thanh toán lãi phiếu đến hạn vào ngày 23/9 cho trái phiếu ra nước ngoài vào tháng 3/2022 của Evergrande đã thu hút sự quan tâm đáng kể. Tờ Securities Times cho biết, Evergrande có kế hoạch trả lãi đúng hạn cho ngày 23/10 và Evergrande đã chuyển khoản thanh toán lãi trái phiếu 83,5 triệu USD thông qua Citibank.

Evergrande đang phải gồng mình gánh chịu khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đã phải vật lộn để huy động vốn để trả cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư.

Evergrande đã bỏ lỡ 4 khoản thanh toán trái phiếu khác vào tháng 9 và tháng 10. Bên cạnh đó, Evergrande có các khoản thanh toán lãi trái phiếu đồng USD khác đến hạn vào tháng 11 và tháng 12.

Theo Reuters, Evergrande đã bỏ lỡ các khoản thanh toán 279 triệu USD kể từ tháng 9 bao gồm khoản thanh toán vào ngày 23/9.

Jim Veneau, Trưởng bộ phận thu nhập cố định châu Á tại AXA Investment Managers đã gọi động thái mới nhất của Evergrande là một “bất ngờ”.

“Đó chắc chắn là một bất ngờ, nhưng là một bất ngờ tích cực. Chìa khóa đối với khoản thanh toán của Evergrande sáng nay là công ty cho thấy sự sẵn sàng thanh toán”, ông cho biết.

Rủi ro vỡ nợ lây lan

Những lo lắng về khoản nợ khổng lồ của Evergrande đã làm chao đảo các thị trường toàn cầu trong bối cảnh lo ngại về rủi ro vỡ nợ tiềm năng của Evergrande có khả năng lan rộng sang phần còn lại của ngành bất động sản hoặc nền kinh tế của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, các nhà đầu tư trong nước sẽ được ưu tiên hơn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tuần trước, ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết, các công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu ở nước ngoài nên tích cực thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đầu tháng này, Evergrande đã đàm phán để bán 50,1% cổ phần của Evergrande Property Services cho Hopson Development Holdings. Nhưng Hopson đã thông báo hôm thứ Tư (20/10) rằng thỏa thuận trị giá 20,04 tỷ đô la Hồng Kông (2,58 tỷ USD) đã thất bại.

Chiến lược gia Jim Veneau cho biết, vấn đề nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã lan rộng. Ông chỉ ra các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác là Fantasia và Modernland.

“Vì vậy, với hai sự kiện đó, thị trường sau đó đã có một số cân nhắc nghiêm túc về việc liệu tất cả các công ty yếu kém ngay cả khi các công ty này đang có tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn cao nhưng việc họ có thực hiện thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn hay không, họ có hoàn trả các khoản đáo hạn hay không mới là vấn đề”, ông cho biết.

Nhiều nhà phát triển đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, các cơ quan xếp hạng đã đưa ra một loạt hạ xếp hạng tín nhiệm đối với các công ty bất động sản ở Trung Quốc.

“Ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc

Các vấn đề của Evergrande trở nên nhức nhối sau khi các nhà chức trách đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào năm ngoái. Chính sách đó đặt ra một giới hạn đối với nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty. Điều đó bắt đầu kìm hãm các nhà phát triển sau nhiều năm tăng trưởng do nợ nần chồng chất.

Trong vài năm gần đây, các nhà phát triển Trung Quốc ngày càng phải gánh nhiều khoản nợ, đặc biệt là ở các thị trường nước ngoài.

Theo Nomura, từ năm 2016 đến năm 2020, giá trị trái phiếu bằng đồng USD ở nước ngoài của ngành bất động sản Trung Quốc đã tăng 900 tỷ nhân dân tệ (139,75 tỷ USD) so với mức tăng 500 tỷ nhân dân tệ của trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong nước.

Theo Dealogic, Evergrande cho đến nay là công ty dẫn đầu về phát hành nợ ở nước ngoài, chiếm 6 trong số 10 giao dịch trái phiếu bằng USD lớn nhất ở nước ngoài của các công ty bất động sản Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2021.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục