Có thể bạn chưa biết, Evergrande từng chi rất nhiều tiền lấn sân sang ô tô điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời kỳ đỉnh cao, Tập đoàn Evergrande đã chi rất nhiều tiền để lấn sân sang ngành công nghiệp sản xuất xe điện và đã có lúc được nhiều người kỳ vọng tập đoàn này sẽ là tương lai của ngành xe điện Trung Quốc.
Lần đầu ra mắt mẫu xe mới của Evergrande tại triển lãm ô tô tháng 4. Lần đầu ra mắt mẫu xe mới của Evergrande tại triển lãm ô tô tháng 4.

Trước khi chìm sâu vào cuộc khủng hoảng nợ, Tập đoàn Evergrande - doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn thứ hai tại Trung Quốc, đã từng khiến nhiều người phải trầm trồ trước kế hoạch táo bạo không chỉ lấn sân vào thị trường xe điện, mà còn có ý định lật đổ "ngôi vương" của Tesla công bố vào năm 2020.

Trong khoảng thời gian đó, Evergrande đã tiết lộ 9 mẫu xe điện đủ các phân khúc từ sedan, minivan cho đến SUV. Những mẫu xe này được quảng cáo sẽ có buồng lái hiện đại ngang ngửa với các phương tiện có thể du hành vào vũ trụ. Hơn nữa, Tập đoàn sẽ phát triển một hệ điều hành thông minh riêng có thể tích hợp vào nhà của người điều khiển phương tiện. Ngoài ra, các mẫu xe điện mới sẽ có thể chịu được mọi loại khí hậu khắc nghiệt nhất dù có là cực nóng hay cực lạnh.

Mỗi chiếc xe trong 9 mẫu xe được công bố bởi Evergrande đều được đặt tên là "Hengchi" theo sau là số thứ tự từ 1 - 9. Hengchi khi hợp kết với Evergrande theo tiếng Quan Thoại và ký tự Trung Quốc phổ thông có nghĩa là tốc độ.

Với tiềm lực tài chính khổng lồ ở thời điểm đấy, tỷ phú Hứa Gia Ấn - Chủ tịch Tập đoàn Evergrande đã vẽ ra một lộ trình thống trị thị trường ô tô toàn cầu nhanh nhất có thể. Trong thông báo được truyền đi vào tháng 6/2020, Evergrande cho biết tham vọng trở thành tập đoàn xe điện lớn và mạnh nhất thế giới trong vòng từ 3 - 5 năm.

Đến cuối năm 2020, Evergrande mạnh miệng tuyên bố sẽ sản xuất khoảng 1 triệu ô điện/năm vào năm 2025 và đặt mục tiêu 5 triệu ô tô/năm vào năm 2035. Cùng thời điểm, Tesla của tỷ phú Elon Musk mới sản xuất và bán được tổng cộng khoảng 500.000 chiếc.

Triển vọng của Evergrande EV, tiền thân là Evergrande Health một công ty hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thuộc Evergrande đổi tên sau khi được sử dụng để mua lại một xưởng sản xuất ô tô tại Thụy Điển vào năm 2019, được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Tính đến tháng 4/2021, cổ phiếu của Evergrande EV được niêm yết trên sàn giao dịch Hong Kong đã tăng hơn 1.000% trong vòng 12 tháng, khiến tổng giá trị vốn hóa của Evergrande EV đạt khoảng 87 tỷ USD, lớn hơn cả giá trị của hai công ty sản xuất ô tô lâu đời nhất của Mỹ là Ford và General Motors.

Xe Hengchi được đặt tên theo thứ tự từ 1 - 9.

Xe Hengchi được đặt tên theo thứ tự từ 1 - 9.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Evergrande EV vẫn chưa bán được bất cứ một chiếc xe nào mặc dù vào tháng Sáu vừa qua, công ty cho biết đang trong công đoạn cuối cùng để cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên của mình.

Khoản nợ hơn 300 tỷ USD treo lơ lửng trên đầu công ty mẹ đã khiến các nhà máy sản xuất ô tô của Evergrande rơi vào tình cảnh ngừng trệ hoạt động, nhiều nhân viên của công ty đã được khuyên tập trung vào bán căn hộ thay vì tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ô tô.

Giá cổ phiếu của Evergrande EV đã bốc hơi 96% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 4 năm nay, kéo theo đó là khoản lỗ 740 triệu USD tính từ thời điểm đầu năm.

Ông Zhiwu Chen, Giám đốc Học viện Asia Global nói rằng, những lời tuyên bố "hùng hồn" của Evergrande giờ đây đã biến thành một câu chuyện bong bóng điên rồ trong ngành sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc.

"Đây là câu chuyện xảy ra không phải chỉ riêng ở Tập đoàn Evergrande, mà còn diễn ra ở nhiều tập đoàn lớn khác ở Trung Quốc. Những doanh nghiệp này rất giỏi mơ mộng và thường hay khoa trương về một viễn cảnh phát triển vượt bậc ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí thâu tóm một lĩnh vực nào đó trên thế giới, tuy nhiên kết quả đạt được lại hết sức hạn chế. Nguyên nhân của sự việc này là do các nhà đầu tư và những người cho vay vốn đã thiếu tính kỷ luật đối với những nhà quản lý tiền của họ", ông Zhiwu Chen nhận xét.

"Ở Trung Quốc hiện nay, ngoài Evergrande còn có các tập đoàn như HNA Group, Anbang, Alibaba, DiDi và Bytedance là những ví dụ về sự thổi phồng năng lực vốn có của mình".

Paul Schulte, nhà sáng lập công ty phân tích tài chính Schulte Research cho rằng, nhiều khả năng Evergrande sẽ phải bán đi mảng kinh doanh ô tô điện của mình, tuy nhiên để bán được sẽ rất khó khăn, bởi đây là khoản đầu tư chưa hề đem lại lợi nhuận cho Tập đoàn.

Nếu như Chính phủ Trung Quốc thân thiện hơn với các nước phương Tây, có lẽ một trong số các công ty như Tesla, KKR, Blackstone, hoặc Apollo có thể sẽ tham gia vào thương vụ mua bán này để tận dụng những lợi thế còn có thể sử dụng được. Tuy nhiên, điều này thực tế là sẽ không xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục