Những lĩnh vực chịu tác động lớn
Việt Nam đang nổi lên như một cơ sở sản xuất trong ASEAN. Trong bối cảnh này, CMCN 4.0 với các công nghệ đột phá có thể chuyển đổi các hệ thống sản xuất của Việt Nam và nâng cao năng suất hơn nữa.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Theo đó, một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ CMCN 4.0, trong đó phải kể tới ngành nông nghiệp.
Cụ thể, nông nghiệp là lĩnh vực mà những tiến bộ công nghệ có thể được áp dụng để cơ giới hóa sản xuất và thúc đẩy năng suất. Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ giúp người nông dân đưa ra quyết định kịp thời hơn dựa trên thông tin ngày càng chất lượng và cập nhật.
Chưa kể, các ứng dụng dành cho điện thoại thông minh cũng đã được đưa vào sử dụng trong nông nghiệp và hệ thống thông tin địa lý giúp gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi, dù công nghệ tiên tiến vốn đã đóng vai trò rất quan trọng ở lĩnh vực này. Đối với Việt Nam, công nghệ có thể được sử dụng theo nhiều cách để nâng cao năng suất và hiệu quả, tương tự việc các nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc và Malaysia đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế thông qua các chính sách phát triển công nghiệp mạnh mẽ, đặt trọng tâm chiến lược vào các lĩnh vực định hướng xuất khẩu.
Đáng chú ý, công nghệ di động tinh vi và khả năng tiếp cận tốt hơn với Internet chất lượng cao sẽ thay đổi ngành dịch vụ của Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ do chính phủ cung cấp.
Sự phát triển của nền kinh tế số, các nền tảng kỹ thuật số, hành nghề tự do và thương mại điện tử sẽ tạo ra các hình thức công việc mới có thể được thực hiện từ xa. Những công nghệ này giúp tạo ra một lực lượng lao động linh hoạt hơn, cũng như tạo ra các thị trường mới cho nhà sản xuất.
Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ
Một trong những thách thức rõ ràng nhất đối với Việt Nam là phải có được cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mang đẳng cấp thế giới. Hiện tại, các công ty của Việt Nam, vốn hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng như các cơ quan chính phủ đều chưa có điều này.
Do đó, chi phí sẽ là một trở ngại không nhỏ đối với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, bởi CMCN 4.0 yêu cầu phải điều chỉnh các cài đặt ứng dụng hiện tại và thậm chí phải sử dụng các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ tiên tiến cũng cần được hỗ trợ để mở rộng quy mô.
Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực cho các công việc liên quan đến công nghệ thông tin. Bởi các quy trình làm việc sáng tạo đều sẽ thay đổi theo yêu cầu của CMCN 4.0, chẳng hạn việc lập kế hoạch chiến lược về nghiên cứu và phát triển sẽ đòi hỏi các kỹ năng mới để xác định, nghiên cứu và triển khai cơ hội kinh doanh mới.
Trong bối cảnh này, chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách xây dựng một môi trường cho phép tối đa hóa các tác động tích cực của công nghệ kỹ thuật số.
Cơ sở hạ tầng ICT vững chắc là rất quan trọng; đồng thời, các chính sách hỗ trợ đầu tư khu vực công và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và kết nối internet sẽ tạo ra cấu trúc thượng tầng cho nền kinh tế kỹ thuật số lành mạnh.
Điều quan trọng là cung cấp cho mọi người kỹ năng phù hợp để tận dụng tối đa các cơ hội và công việc mới sẽ có trên các nền tảng kỹ thuật số.
Cũng như phải xây dựng và hoàn thiện một loạt các chính sách khuyến khích chia sẻ dữ liệu, đi đôi với bảo vệ quyền riêng tư; bảo vệ người tiêu dùng, chống lại tội phạm mạng và gian lận; ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố; tăng cường an ninh mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.
Trong bối cảnh này, ADB đã và đang hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc áp dụng công nghệ mới tại nhiều lĩnh vực, cũng như trợ giúp phát triển kỹ năng, chuyên môn cần thiết để sử dụng các công nghệ này.
Đối với người nghèo và người bị thiệt thòi, chúng tôi làm việc với chính phủ để tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội. Đồng thời tập trung vào việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nơi mà nhiều người nghèo đang kiếm sống.
Theo đó, chiến lược mới của ADB - “Chiến lược 2030” sẽ tập trung vào việc tạo ra các công việc có chất lượng, cải thiện giáo dục và đào tạo, chú trọng nhiều hơn vào phát triển kỹ năng cho người lao động để đào tạo ra những người lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng cao.
Tạo điều kiện cho sự phát triển của FINTECH
Với CMCN 4.0, công nghệ tài chính (FinTech) đang tạo động lực thay đổi đối với lĩnh vực tài chính toàn cầu bằng các giải pháp sáng tạo. Theo đó, thứ nhất, FinTech có thể tăng hiệu quả và mở rộng sự bao trùm tài chính.
Thứ hai, tạo ra triển vọng thúc đẩy đổi mới lĩnh vực tài chính, từ đó phục vụ tốt hơn tất cả các thành phần của nền kinh tế. Thứ ba, mở ra các mô hình kinh doanh mới, các kênh phân phối với chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với các giao dịch thông thường.
Với dân số gần 95 triệu người, phần lớn trong số đó sử dụng điện thoại thông minh và Internet, thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho FinTech. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 100 FinTech hoạt động tại Việt Nam, phần lớn trong số đó đang tham gia vào các lĩnh vực thanh toán.
Bên cạnh việc nhận thức các cơ hội để tranh thủ nắm bắt, các FinTech cũng cần chú trọng tới những rủi ro có thể phát sinh như tranh chấp pháp lý, bảo mật mạng, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, chống rửa tiền và ổn định tài chính.
Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng một khung pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển của FinTech, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời hạn chế rủi ro, bảo đảm sự ổn định của lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chủ động tiếp cận để hỗ trợ phát triển FinTech, bao gồm xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm để khuyến khích thực nghiệm FinTech với sự giám sát sát sao trước khi cho phép hoạt động rộng rãi.