Sự xuất hiện của FinTech đã mang lại một làn gió mới cho thị trường tài chính vốn hiện hữu nhiều cạnh tranh và thách thức. Ngân hàng và các tổ chức tài chính đang phải nỗ lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng.
Sự thấu hiểu từ phía ngân hàng…
Khi làn sóng công nghệ phát triển mạnh mẽ cùng nhu cầu của người tiêu dùng không ngừng thay đổi trong kỷ nguyên số, việc hoạch địch chiến lược và đường hướng kinh doanh rõ ràng nên là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, trước khi quyết định sử dụng giải pháp công nghệ nào hay lựa chọn hợp tác với FinTech nào. Tuy nhiên, phải thấy rằng, không chỉ hiểu rõ mình muốn gì và mình cần gì, ngân hàng còn phải hiểu rõ đối tác có gì và mạnh gì thì mới đạt được lợi ích cộng hưởng tối đa.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính EY Việt Nam
Với sự phát triển như vũ bão, công nghệ tài chính ngày càng đa sắc, đa chiều, do đó, ngân hàng sẽ rất khó có thể đưa ra quyết định đúng đắn trước lực hấp dẫn của rất nhiều giải pháp công nghệ tài chính. Nút thắt tháo gỡ vấn đề này cho chính ngân hàng là phải bám sát vào định hướng, chiến lược và lựa chọn công ty FinTech phù hợp với giá trị cốt lõi của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng phải hiểu rõ nền tảng của công ty FinTech và đặc tính của giải pháp công nghệ, đảm bảo khi kết hợp có thể nâng tầm giá trị cốt lõi của ngân hàng.
Những thương vụ hợp tác thành công gần đây giữa ngân hàng và công ty FinTech đều cho thấy sự thấu hiểu của ngân hàng là rất quan trọng. Ví dụ, với định hướng mở rộng thị phần doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Royal Bank of Scotland đã lựa chọn Esme Loans, một sản phẩm được phát triển bởi Công ty FinTech Ezbob. Esme Loans là một nền tảng cho vay tự động cho phép khách hàng nộp đơn xin vay vốn một cách hiệu quả và nhanh chóng, gần như là tức thời.
Việc sở hữu công nghệ này giúp Royal Bank of Scotland đẩy mạnh mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - một trong những vị thế cạnh tranh mũi nhọn của Ngân hàng. Sau một năm ra mắt, Esme Loans đã cho vay hơn 130 triệu bảng và với hơn 5,5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Anh.
Hay thời gian gần đây, tại Việt Nam, khi xu hướng thanh toán điện tử và mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, một số ngân hàng tích cực nhắm đến tăng trưởng thị phần khách hàng trẻ, hiện đại, năng động, ưa thích sử dụng công nghệ. Đơn cử như VIB đã kết hợp với công ty FinTech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyến tiển qua mạng xã hội.
Tương tự, Techcombank đã cùng với Công ty FinTech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google+. Có thể thấy, lựa chọn những công ty FinTech phù hợp với định hướng chiến lược của mình đã giúp cho các ngân hàng đạt được mục tiêu đề ra, cũng như tối đa hóa được lợi ích cộng hưởng của mối quan hệ hợp tác ngân hàng – FinTech.
Ngoài việc lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với định hướng phát triển của mình, Ngân hàng cũng cần có sự hiểu biết thấu đáo về các công ty FinTech như văn hóa, mô hình hoạt động và đặc biệt là những khó khăn mà các công ty FinTech phải đối mặt. Sự khác biệt về văn hóa giữa ngân hàng và các công ty FinTech là sự đối lập giữa một bên là thể chế chắc chắn, thận trọng và một bên là mô hình nhanh gọn, chấp nhận rủi ro.
Sự xung khắc này sẽ là tác nhân cản trở thành công của mối quan hệ hợp tác ngân hàng - FinTech. Để hóa giải khác biệt và xung khắc này không phải là việc dễ dàng.
Cách tiếp cận thú vị của BNP Paribas bằng cách cung cấp không gian văn phòng và cố vấn cho các công ty trẻ đầy hứa hẹn tại San Francisco là một trường hợp hóa giải hiệu quả. Việc tiếp xúc với các ý tưởng, quy trình và văn hóa mới cung cấp cho những người làm chung môi trường những hiểu biết sâu sắc về thị trường, sự trưởng thành và cơ hội hợp tác lớn hơn.
Thách thức mà hầu hết các FinTech trên thế giới nói chung đang đối mặt là tài chính
Ngoài ra, ngân hàng cần hiểu rõ một trong những thách thức mà các FinTech trên thế giới nói chung, các FinTech ở Việt Nam nói riêng đang đối mặt là tài chính. Với hầu hết các FinTech đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này.
Theo khảo sát gần đây của EY, 60% FinTech mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo. Tuy có tới 76% trên tổng số FinTech tham gia khảo sát đồng ý rằng có đủ kênh huy động vốn, nhưng vẫn có tới 52% công ty thừa nhận còn gặp khó khăn trong vấn đề tự huy động vốn.
Điều này cho thấy, quá trình gọi vốn của FinTech vẫn còn rất nan giải. Nắm bắt được những khó khăn và trở ngại này, các ngân hàng nên xem xét để có những cam kết, hỗ trợ thiết thực để sự hợp tác giữa hai bên đạt được hiệu quả tốt nhất.
… và từ phía các công ty FinTech
Bên cạnh ý tưởng sáng tạo cốt lõi - yếu tố quyết định trực tiếp sự thành bại của một công ty FinTech - thì các công ty FinTech cũng cần am hiểu toàn diện về vị thế thị phần, định hướng, chiến lược, phân khúc khách hàng mục tiêu, quy mô, mạng lưới… của ngân hàng đối tác. Từ đó, FinTech có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với sứ mệnh cũng như giá trị cốt lõi của ngân hàng.
Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đang gặp nhiều thách thức trong công cuộc số hóa. Khúc mắc của ngân hàng không những đến từ việc thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị, mà còn ở việc chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật lỗi thời, đòi hỏi đầu tư lớn và mất thời gian mới đạt được kết quả.
Kết quả một cuộc khảo sát với ngành ngân hàng trong nước cho thấy, có 96% ngân hàng đồng ý rằng, ngành ngân hàng đang phát triển để hướng tới một hệ sinh thái kỹ thuật số. Trong khi đó, 87% nói rằng, hệ thống core banking của họ không thể hỗ trợ nổi.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, có những ngân hàng đang chỉ bỏ ra chi phí từ 200.000 đến dưới 500.000 USD - chủ yếu để xử lý các nghiệp vụ và giao dịch thông thường. Tuy nhiên, có những ngân hàng đầu tư hệ thống corebanking rất hiện đại với chi phí lên tới 5 triệu USD, nhưng vẫn chưa khai thác được một cách tối ưu các tính năng của hệ thống.
Với thực trạng này, nhìn từ khía cạnh của các công ty FinTech, khả năng kết nối và tích hợp giữa công nghệ mới với hệ thống hiện hữu của ngân hàng là một trong những thách thức phải đối mặt. Do đó, hiểu rõ nền tảng của ngân hàng là chìa khóa thành công cho các công ty FinTech.
Các công ty FinTech cũng cần nắm bắt được những quy định về tuân thủ trong hoạt động của ngân hàng, nhằm lường trước được những rào cản pháp lý có thể phát sinh. Ví dụ như những quy định về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng là một mối lo ngại của các ngân hàng khi bắt tay với các công ty FinTech, do hành lang pháp lý dành cho các công ty này còn hạn chế, chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của FinTech.
Trong buổi tọa đàm giữa EY cùng các ngân hàng và công ty FinTech, theo chia sẻ của một số ngân hàng, mặc dù lãnh đạo khối công nghệ tìm thấy một giải pháp rất hay và mong muốn được triển khai nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”, đành để trôi đi những cơ hội, bởi phải đi qua quá nhiều khâu trong bộ máy quản lý chiều dọc của ngân hàng truyền thống như kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, pháp chế.
Từ những khó khăn, hạn chế của ngân hàng, các FinTech cần đưa ra những sản phẩm phù hợp, đảm bảo sự hợp tác đôi bên là mối quan hệ “win - win” - hai bên cùng có lợi. Để đạt được điều này, khi tiếp cận ngân hàng, các giải pháp FinTech đưa ra phải cho thấy sự am hiểu sâu sắc về các khúc mắc của ngân hàng, từ đó đưa ra các giải pháp công nghệ tài chính phù hợp.
Công nghệ nói chung và FinTech nói riêng sẽ không ngừng thay đổi. Có thể nói rằng, kết hợp thành công giữa hai bản sắc FinTech - sáng tạo và ngân hàng - truyền thống sẽ mang lại sự thăng hoa cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngân hàng có thể là đối tác chiến lược giúp các FinTech thực hiện giấc mơ của mình và các FinTech tiếp tục là đòn bẩy, mảnh ghép mấu chốt trong hệ sinh thái ngân hàng số, góp phần nâng tầm giá trị cốt lõi của ngân hàng.