Lễ hội kéo dài một tuần từ 13-17/11, do Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore, viết tắt là MAS) phối hợp với Hiệp hội Các ngân hàng Singapore (ABS) và SingEx Holdings tổ chức. Trong khuôn khổ lễ hội, đã diễn ra các cuộc tọa đàm, thảo luận từ các chuyên gia về fintech toàn cầu, phòng thí nghiệm thu thập dữ liệu và lễ trao giải công nhận những startups hứa hẹn và các sự kiện quan trọng khác.
Có tới hơn 160 nhà lãnh đạo từ các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý, các định chế tài chính, các công ty đầu tư mạo hiểm và nhiều công ty fintech tham dự sự kiện này. Vậy nhưng, tại triển lãm lại không có bóng dáng của các startups Việt Nam. Tuy vậy, tại một vài startups, đặc biệt là của Singapore hoặc Mỹ, cũng có tên người Việt trong vị trí đồng sáng lập (co-founder).
Có thể nói, các startups Việt Nam còn đang ở giai đoạn “sơ sinh”, nhưng nhìn vào đám đông tới dự buổi nói chuyện của tỷ phú Jack Ma, ông chủ Tập đoàn Alibaba và đặc biệt là số lượng rất lớn bài viết của các bạn sinh viên trên các mạng xã hội trong ngày 6/11 vừa qua khi Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam diễn ra, chúng ta có thể cảm nhận được sức nóng của xu hướng mới này.
Việt Nam hiện có hơn 40 công ty fintech, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Lĩnh vực fintech tại Việt Nam chưa có khung pháp lý đầy đủ, hệ sinh thái chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, công ty fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông.
Để triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp fintech, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước (Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017).
Ngày 20/7/2017, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, Trưởng ban chỉ đạo Fintech Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo Fintech lần thứ nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động còn chưa đầy đủ, do đó một số loại hình doanh nghiệp hoạt động mang tính tự phát, tiềm tàng rủi ro.
Trong khi đó, tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ nước này đã soạn thảo rất chi tiết các biện pháp bảo vệ thích hợp để giảm thiểu hậu quả rủi ro nếu thử nghiệm thất bại và đồng thời duy trì sự an toàn và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính, nhưng đồng thời rất khuyến khích thử nghiệm fintech để các sáng kiến hứa hẹn có thể được thử nghiệm trên thị trường và có cơ hội được nhân rộng tại Singapore và nước ngoài.
Về nguyên tắc, các yêu cầu về an ninh mạng cho các tổ chức tài chính như ngân hàng cần chặt chẽ, nhận diện các rủi ro và có biện pháp để quản lý hiệu quả các rủi ro. Thêm nữa, quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý đối với rủi ro và tổn thất do fintech có thể gây ra cần được hoạch định rõ ràng.
Sự đa dạng và tốc độ thay đổi của thị trường cũng như nền tảng công nghệ đang được phát triển với mức độ chóng mặt thúc đẩy những nhà cầm cân nảy mực, hành pháp cần theo dõi biến động và có những bước đi nhanh, mạnh, chính xác.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Singapore, hay nói cụ thể hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần học từ Cơ quan tiền tệ Singapore để tiên phong cho việc xây dựng và hoạch định những nguyên tắc, khuôn khổ pháp lý về fintech.
Các ngân hàng trên thế giới rất quan tâm tới việc tạo dựng và nâng đỡ fintech, ví dụ như Barclays đã hỗ trợ 60 startup trong khuôn khổ các chương trình cải tiến ở London, New York, Tel Aviv and Cape Town. Các ngân hàng nội địa Singapore như DBS, OCBC, UOB đều đã có dịch vụ thanh toán và chuyển tiền điện tử như PayNow, PayLah áp dụng rộng rãi.
Ngân hàng Việt Nam nên mở cửa đón chào fintech cùng sự mới mẻ năng động của xu hướng này để tăng cao tính phát triển bền vững. Ngân hàng và fintech nên bổ sung, kết hợp và hợp tác với tinh thần đôi bên cùng có lợi. Để làm được việc này, hội đồng quản trị và ban điều hành ngân hàng cần hiểu rõ hướng đi và hoạch định tương lai của ngân hàng mình một cách rõ ràng.
Một vấn đề rất quan trọng khác trong việc thúc đẩy fintech phát triển tại Việt Nam là cần việc trang bị đầy đủ kiến thức về sự phát triển và thay đổi của thị trường, công nghệ thông tin. Đây là bước đi đầu tiên để Việt Nam có thể theo kịp khu vực và thế giới. Ở vấn đề này, theo tôi, các trường đại học hay trung tâm giáo dục ở Việt Nam còn đang ở khá xa so với khu vực và thế giới.