Sự sáng tạo và công nghệ đang dần thay đổi bức tranh lĩnh vực ngân hàng toàn cầu. Theo ông, xu hướng này đã thay đổi lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam như thế nào? Liệu đây có phải xu hướng ngân hàng trong tương lai, hay chỉ đơn thuần là nhu cầu của khách hàng ở thời điểm hiện tại?
Lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng, trong đó yếu tố công nghệ là tâm điểm. Một mặt, là một loại hình dịch vụ về cơ bản có thể được “số hoá”, thông qua việc áp dụng công nghệ một cách sáng tạo, ngân hàng có thể giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và thời gian cung cấp dịch vụ, đồng thời mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội.
Mặt khác, khách hàng luôn mong muốn nhận được các dịch vụ ngân hàng thật an toàn và thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi. Những yếu tố này đang đặt các ngân hàng vào một cuộc chạy đua công nghệ và điều đó mang đến lợi ích cho khách hàng, ngân hàng và rộng hơn là sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng nói chung.
Tôi tin rằng, hành vi của khách hàng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tận dụng thế mạnh của công nghệ. Một yếu tố then chốt để công nghệ có thể mang lại những ưu thế, đó là khả năng liên kết thông suốt giữa các sản phẩm và dịch vụ, qua đó mang đến cho khách hàng nhiều tính năng ưu việt và những trải nghiệm ngân hàng vượt trội.
Trong bối cảnh phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày nay, theo ông, xu hướng sẽ nghiêng về các chi nhánh kiểu truyền thống, hay là các loại hình trên nền tảng công nghệ và điện tử? Ông có nhận định thế nào về xu hướng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam?
Ngân hàng điện tử là xu hướng đang nổi trong lĩnh vực ngân hàng. Khách hàng mong muốn có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi. Các ngân hàng trong nước đã nhận biết được xu hướng này và có sự đầu tư nhất định vào nền tảng ngân hàng trực tuyến. Chúng tôi cho rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Ông Nirukt Sapru
Với dân số trẻ và ưa chuộng công nghệ, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngân hàng điện tử. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và Internet tại Việt Nam ở mức rất cao (khoảng 50% dân số) và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra kế hoạch phát triển rõ ràng để chuyển đổi từ một nền kinh tế thiên về sử dụng tiền mặt sang nền kinh tế trên nền tảng kỹ thuật số, cũng như hỗ trợ cho các sáng tạo trong lĩnh vực này.
Mỗi ngân hàng cần có chiến lược riêng để tận dụng những lợi thế này, dựa trên việc xem xét các thế mạnh mang tính cạnh tranh, thị trường và phân khúc mục tiêu mà họ hướng đến, qua đó, áp dụng các công nghệ phù hợp.
Dựa trên nền tảng công nghệ, hoặc các nền tảng ngân hàng điện tử, có nên quan ngại về khía cạnh an toàn của các sản phẩm, dịch vụ này so với giao dịch ngân hàng truyền thống, thưa ông?
Các ngân hàng đều nhận thức được sự cần thiết của việc áp dụng các công nghệ và biện pháp an ninh tiên tiến để bảo vệ khách hàng khỏi các nguy cơ lừa đảo, đánh cắp dữ liệu và các loại hình tội phạm tài chính khác. Tôi tin rằng, mỗi ngân hàng đều đã có sự đầu tư thích đáng để tăng cường mức độ an toàn của dịch vụ mà họ cung cấp.
Các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, cũng đã rất tích cực trong việc nâng cao nhận thức về các nguy cơ liên quan đến an ninh, bảo mật và yêu cầu các ngân hàng có biện pháp tăng cường.
Theo tôi, đây sẽ là khía cạnh mà các ngân hàng sẽ tiếp tục chú trọng trong thời gian tới để giải quyết mối lo ngại về sự an toàn của dịch vụ.
Các mối đe dọa không ngừng thay đổi và biến tướng, nên các biện pháp phòng chống cũng cần được phát triển song song. Điều này không chỉ giới hạn ở dịch vụ ngân hàng, hay khía cạnh công nghệ. Ở bất cứ khía cạnh nào, ngân hàng cũng cần phải nắm bắt và đón đầu các xu hướng để có các biện pháp giải quyết kịp thời.
Là một ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ông có thể cho biết, Standard Chartered đã có những đột phá gì trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào các sản phẩm và dịch vụ?
Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ngân hàng kỹ thuật số với sự hỗ trợ của con người. Chúng tôi luôn đón đầu các sáng tạo về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm vượt trội và thuận tiện nhất.
Nền tảng ngân hàng trực tuyến của chúng tôi mang đến các tiện ích ngân hàng 24/7 cho tất cả các dịch vụ, bao gồm chuyển tiền trong nước và quốc tế, trả hoá đơn tự động cho nhiều loại tiện ích, tiền gửi trực tuyến và trả nợ vay...
Chúng tôi triển khai nền tảng Ngân hàng di động (Mobile Banking) hồi tháng 9 năm ngoái, giúp cho khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi ngay trên điện thoại di động.
Năm 2016, chúng tôi đã ra mắt thẻ tín dụng Standard Chartered WorldMiles, thẻ tín dụng đầu tiên trên thị trường cho phép chủ thẻ sử dụng hơn 800 phòng chờ VIP ở các sân bay trên khắp thế giới, thông qua việc sử dụng ứng dụng Dragonpass trên điện thoại di động mà không cần mang theo thẻ.
Chúng tôi cũng triển khai ứng dụng di động The Good Life, hoạt động trên nền tảng định vị toàn cầu (GPS). Thông qua ứng dụng này, khách hàng của chúng tôi có thể tìm kiếm các ưu đãi đặc biệt áp dụng cho thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của Standard Chartered tại các địa điểm mà họ đến.
Những nỗ lực đó đã mang đến cho chúng tôi danh hiệu “Sáng kiến Ngân hàng điện tử của năm tại Việt Nam năm 2016” do tạp chí Asian Banking & Finance trao tặng.
Một thực tế là lĩnh vực Fintech đang mở ra nhiều cơ hội cho cả các định chế tài chính và các công ty công nghệ. Standard Chartered đã đầu tư thế nào vào lĩnh vực này, cũng như tìm kiếm được các đối tác để hợp tác?
Chúng tôi cam kết hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Trên phạm vi toàn cầu, chúng tôi đã triển khai “SC Studios”, một văn phòng đặt tại San Francisco (Mỹ) từ năm 2010, giúp kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và các công ty khởi nghiệp với các phòng ban kinh doanh của Ngân hàng
. Điều này cho phép chúng tôi bắt kịp các xu hướng mới, đồng thời tận dụng tối đa những lợi thế mà “Thung lũng Silicon” mang lại để hỗ trợ và phát triển các mục tiêu kinh doanh.
Chúng tôi cũng triển khai chương trình SuperCharger Accelerator tại Hong Kong, nhằm giúp các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech ở Hong Kong hoặc nước ngoài, gồm cả những công ty đang ở giai đoạn đầu, hoặc đã đi vào ổn định, phát triển tại những thị trường đầy tiềm năng ở châu Á.
Tại Singapore, chúng tôi ra mắt chương trình sáng tạo eXellerator vào năm 2016. Chương trình này phối hợp chặt chẽ với các phòng ban kinh doanh trong Ngân hàng, đồng thời tìm kiếm giải pháp sử dụng các công nghệ mới và cơ sở dữ liệu để xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững.
Chúng tôi cũng là Nhà tài trợ Vàng cho chương trình “Lễ hội Fintech Singapore” và tham gia vào quá trình triển khai chương trình này hồi tháng 11/2016.
Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ lĩnh vực Fintech và dành nhiều sự quan tâm cho các cơ hội phát triển trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Chúng tôi là nhà đồng sáng lập Câu lạc bộ Fintech Việt Nam, nhằm thúc đẩy các sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, qua đó hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đầu tư vào M_Service, công ty sở hữu ví điện tử và ứng dụng thanh toán MoMo, đồng thời hợp tác với họ để triển khai chương trình thanh toán thông qua nền tảng Straight2Bank Wallet tại Việt Nam. Straight2Bank Wallet cho phép doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức phát triển thực hiện giao dịch với các cá nhân đã có, hoặc chưa có tài khoản ngân hàng, mà không cần đến tiền mặt thông qua điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng MoMo.
Mặc dù Fintech có vẻ là “mối lo” đối với ngân hàng, nhưng thực tế, đây lại là lĩnh vực mà các ngân hàng cần phải liên kết hợp tác để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Việc các dịch vụ Fintech có thể hoạt động mà không cần đến sự hỗ trợ của ngân hàng khó có thể xảy ra, do đó, đây là một khía cạnh mà các ngân hàng cần chú ý và khai thác.