Ông nhìn nhận gì về mức độ lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0 vào thị trường vốn Việt Nam?
Cách mạng công nghiệp 4.0 là từ khóa đang được nhắc đến nhiều. Trong lĩnh vực tài chính nói chung, thị trường vốn nói riêng, nó đang hiện diện trong cuộc đua đầu tư cho hạ tầng công nghệ của các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
Ông Lục Đình Vinh, Giám đốc Công nghệ, CTCP Giải pháp phần mềm tài chính (FSS).
Hệ thống hạ tầng công nghệ ngày càng trở thành một vũ khí cạnh tranh lợi hại của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Ngoài mang lại sự kết nối dễ dàng hơn để tạo nên mạng lưới rộng, cộng đồng người dùng, công nghệ còn mang lại thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, đòi hỏi xử lý thông minh hơn.
Khi đó, với hành lang pháp lý được hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, công nghệ sẽ giúp cho việc phân phối các sản phẩm tài chính, sản phẩm đầu tư… đến người dùng hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Bởi vậy, chắc chắn thị trường Fintech tại Việt Nam sẽ sôi động.
Thị trường Fintech sôi động, nhưng có ý kiến quan ngại công ty Fintech nội lép vế trước các đối thủ dày dạn kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, có tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh của nước ngoài. Ông có cho là như vậy?
Cạnh tranh luôn là động lực để phát triển. Va chạm, tiếp xúc với các nhà cung cấp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm, sở hữu những “vũ khí” công nghệ chuyên biệt giúp chúng ta có những bài học không có trong sách vở, không tìm thấy được trên Google.
Tuy nhiên, nhà cung cấp nước ngoài cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Thực tế đòi hỏi họ phải có sự cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam, để hiểu thị trường, hiểu nhu cầu của khách hàng, từ đó mới áp dụng, điều chỉnh hệ thống công nghệ cho phù hợp.
Một nhà cung cấp hoàn hảo là nhà cung cấp cam kết với thị trường, giải pháp công nghệ hiệu quả, đội ngũ nhân sự mạnh. Nhận diện được thế mạnh, điểm hạn chế sẽ giúp các nhà cung cấp lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất cho mình để cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.
Quy mô của hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, thị trường vốn là lớn, nhiều khi đòi hỏi sự hợp tác, tích hợp giữa các ứng dụng của các nhà cung cấp khác nhau.
Như vậy, công ty Fintech nội có những ưu thế cạnh tranh trước các đối thủ ngoại, thưa ông?
Theo quan điểm chủ quan, nếu biết phát huy các ưu điểm khác biệt, khả năng sẵn sàng học hỏi từ khách hàng, đối tác, đối thủ…, các công ty Fintech nội địa có lợi thế cạnh tranh nhất định.
Đầu tiên là về văn hóa. Các công ty Fintech nội địa có lợi thế lớn so với các đối thủ nước ngoài về am hiểu văn hóa bản địa, tập quán cung cấp sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ, cũng như thói quen của khách hàng, nên có khả năng đáp ứng tối đa những nhu cầu vừa đa dạng, vừa mang tính riêng biệt của khách hàng.
Một lợi thế khác của công ty Fintech nội địa là nhờ gần gũi về địa lý, gắn bó chặt chẽ từ đầu nên nắm bắt vừa sâu, vừa sớm mong muốn của khách hàng.
Ví dụ trong lĩnh vực chứng khoán, khi có các dự thảo quy định pháp lý, tài liệu tập huấn, hệ thống quy trình, quy chế triển khai sản phẩm… từ các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp nội địa đã phải đầu tư nghiên cứu, thiết kế ý tưởng cho sản phẩm, dịch vụ phù hợp để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh. Nhà cung cấp nước ngoài thông thường khó làm được điều này.
Fintech được dự báo sẽ có sự phát triển sôi động trong giai đoạn tới.
Một lợi thế quan trọng khác của công ty Fintech nội là khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bảo trì. Với nhà cung cấp nước ngoài, đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với họ.
Để đánh giá được sự cạnh tranh về chất lượng của hệ thống giải pháp hạ tầng công nghệ của nhà cung cấp trong nước, nước ngoài, cần xét đến nhiều yếu tố.
Sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong thời gian qua tuy nhanh, nhưng về quy mô còn kém so nhiều thị trường trong khu vực. Bởi vậy, nhiều nhà cung cấp mạnh, chuyên gia giỏi của nước ngoài đến nay chưa vào Việt Nam.
Sự phát triển của công nghệ thông tin là liên tục, nhiều công nghệ mới ra đời phục vụ đắc lực cho một phân khúc nhu cầu cụ thể. Nếu website và mobile trading khá phổ biến ở Việt Nam thì không nhiều nhà cung cấp nước ngoài khẳng định được ưu thế về cung cấp các giải pháp này.
Trong khi Home Trading là thế mạnh của nhà cung cấp nước ngoài, thì lại gặp khó khăn khi triển khai diện rộng nếu họ sử dụng giao diện lập ứng dụng mạng truyền thống. Lý do là nhiều hệ thống tường lửa chặn giao thức này.
Trong bối cảnh thị trường Fintech thời gian tới được dự báo tiếp tục sôi động, theo ông các công ty Fintech nội địa cần làm gì để đón bắt cơ hội mới từ thị trường còn nhiều tiềm năng này?
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế không thể đảo ngược, nên dù muốn hay không, thị trường vốn, thị trường chứng khoán không thể đứng ngoài xu hướng này.
Trong bối cảnh đó, thị trường Fintech được dự báo sẽ có sự phát triển sôi động trong giai đoạn tới. Đương nhiên, kèm theo đó là mức độ cạnh tranh trong chính các công ty Fintech nội, cũng như giữa công ty Fintech nội với các đối thủ nước ngoài.
Để đón bắt được những cơ hội phát triển mới, không bị lép vế trước các đối thủ nước ngoài, bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, cũng như năng lực tài chính, các công ty Fintech nội địa cần thường xuyên chú trọng phát triển đội ngũ nhân sự, cập nhật kiến thức của quốc tế.
Bản thân các công ty Fintech nội còn cần chú trọng tạo ra môi trường làm việc năng động, phát huy tối đa sự sáng tạo của đội ngũ nhân sự, từ đó tạo ra sự khác biệt trong cung cấp các ý tưởng mới giúp khách hàng tạo ra ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Công ty Fintech trong nước có những lợi thế riêng trước đối thủ ngoại
Là đơn vị triển khai mô hình công ty chứng khoán online, thử nghiệm sử dụng robot trong hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch, HFT nhận thấy trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ ngoại trong cung cấp các giải pháp về hạ tầng công nghệ, hệ thống giao dịch, các công ty Fintech trong nước có những lợi thế riêng.
Nếu biết phát huy, các công ty Fintech nội vẫn giành được ưu thế cạnh tranh, mặc dù đối thủ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh.
Điểm mạnh lớn nhất của các công ty Fintech trong nước là lợi thế sân nhà, sự thấu hiểu về nhu cầu thị trường, cũng như thị hiếu của nhà đầu tư. Điều quan trọng hơn cả đối với hệ thống hạ tầng giao dịch của một công ty chứng khoán là tính bảo mật cao, giao diện thân thiện và các chức năng dễ tiếp cận bám sát nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Có bề dày lịch sử tiếp cận với thị trường chứng khoán Việt Nam và tiếp xúc với nhà đầu tư hàng ngày, các công ty Fintech trong nước có nhiều lợi thế so với các đối tác ngoại ở khía cạnh này. Thêm vào đó, các công ty Fintech trong nước cũng cập nhật khá nhanh các chuẩn công nghệ của thế giới, nên không khó để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Ngoài ra, khoảng cách địa lý cũng là một điểm mạnh của các công ty Fintech trong nước.
Do yếu tố địa lý, nên thời gian triển khai các giải pháp hệ thống nếu hợp tác với nhà cung cấp ngoại thường kéo dài hơn so với các công ty Fintech trong nước. Khi triển khai hệ thống, cũng như khi cần bảo trì, nâng cấp hệ thống, thì việc hợp tác với công ty Fintech nội địa thuận lợi và diễn ra nhanh hơn.