Doanh nghiệp vận tải container đường thủy thắng to
Đây là khẳng định của ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc CTCP Vận tải thủy Tân Cảng Sài Gòn về hiệu quả về dịch vụ “taxi” vận tải thủy container bằng sà lan kết nối một số cảng nội địa ở vùng lõi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP.HCM do đơn vị quân đội này khai thác trong 3 năm trở lại đây.
Bài tham luận của ông Linh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị Nâng cao hiệu quả vận tải thủy và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL do Bộ GTVT tổ chức vào đầu tuần này tại TP. Cần Thơ.
Được biết, CTCP Vận tải thủy Tân Cảng đã thắng lợi lớn sau khi mạnh dạn đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho container ở 2 cảng Sa Đéc và Cao Lãnh cùng hệ thống sà lan tự hành hiện đại, sức chở lớn. Nhờ đó, năm 2013, Công ty đã chuyên chở được tổng cộng 36.681 container, tăng 80% so với năm 2012.
Từ đầu tháng 4/2014 tới nay, doanh nghiệp (DN) này đã nhận được quá nhiều đơn hàng vận chuyển container, sau khi Chính phủ siết chặt công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ. “Vận tải đường thủy nội địa bằng container từ các đầu mối sản xuất, chế biến đến các cảng biển đang là lối ra đúng hướng để giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu khu vực”, TS. Nguyễn Văn Khoảng, Đại học GTVT TP.HCM nhận định.
Mặc dầu vậy, theo đánh giá của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dù đã cố gắng hết mức, song Tân Cảng và một số DN vận tải thủy khác cũng chỉ có khả năng chuyên chở một phần nhỏ nhu cầu vận chuyển lên tới 17 - 18 triệu tấn gạo, thủy sản, trái cây, hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm của khu vực. “70% lượng hàng hóa trên vẫn phải chuyển tải về các cảng biển TP.HCM và Cái Mép bằng đường bộ, khiến DN phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10% đến 60%, tùy theo tuyến đường”, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định.
Điều đáng nói là, năng lực vận tải container bằng đường thủy nội địa khó có thể tăng cao hơn nữa, nếu như những bất cập về cơ sở hạ tầng về luồng tuyến, thiếu các bến cảng chuyên dụng… không sớm được khắc phục.
Các giải pháp nhằm cải thiện tình hình
Ông Phạm Minh Nghĩa (Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này, các cơ quan quản lý đã “lạc hướng” trong việc khai thác tối đa lợi thế vận tải thủy nội địa thông qua việc kết nối các phương thức vận tải ở khu vực ĐBSCL, dù những giải pháp đã được đề ra khá đầy đủ từ cách đây 15 năm trong Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống GTVT do Nhật Bản tài trợ.
“Nếu lĩnh vực đường thủy nội địa nhận được sự đầu tư lớn hơn, thay vì con số 2% tổng đầu tư của ngành GTVT trong giai đoạn 2004 – 2014, diện mạo vận tải khu vực sẽ rất khác theo hướng bền vững hơn”, ông Nghĩa phân tích.
Ở một góc nhìn khác, ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét, vận tải thủy nội địa liên vùng bị tụt dốc, dù có nhiều tiềm năng còn xuất phát từ cách làm manh mún, cát cứ của chính các địa phương.
Nhận định này là có cơ sở, bởi ngay tại cuộc họp quan trọng nhằm kết nối các phương thức vận tải này chỉ có sự hiện diện của lãnh đạo 5/13 tỉnh, thành phố trong khu vực.
“Đúng là có sự xuất hiện tư duy ăn xổi, ở thì trong phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Tình trạng này cần phải chấm dứt ngay trong thời gian tới. Sắp tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng đường thủy trên cơ sở phân bố lại nguồn lực, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch ngành để đầu tư đúng trọng điểm, phát huy tối đa lợi thế vận tải đặc thù ở khu vực, hình thành một thị trường vận tải minh bạch, có sức cạnh tranh cao để kéo giảm chi phí vận tải”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.
Để hỗ trợ cho lĩnh vực vận tải thủy nội địa, ông Thăng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam ngay trong quý IV/2014 sẽ công bố tuyến vận tải ven biển từ TP.HCM, Vũng Tàu tới Cà Mau. Theo tính toán, chỉ cần 100 lượt tàu mang cấp VR - SB trọng tải 1.000 DWT hoạt động cách bờ 12 hải lý có thể chở toàn bộ 150.000 tấn thủy, hải sản xuất khẩu mỗi năm lên các cảng biển tại TP.HCM và tỉnh lân cận với chi phí thấp.
Trong lĩnh vực hạ tầng, hai dự án sẽ nhận được ưu tiên đầu tư cao để sớm hoàn thành trong giai đoạn 2015 là tuyến kênh Chợ Gạo và luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Bên cạnh đó, để cải thiện hạ tầng đường thủy, Bộ GTVT đang kêu gọi và huy động vốn cho 10 dự án đầu tư nạo vét, phát triển cảng tại khu vực, với số vốn lên tới 6.500 tỷ đồng.