Thêm đối tượng bị “xiết”
Sau một thời gian dài bị thả lỏng, hàng chục ngàn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa và kinh doanh vận tải hành khách du lịch, hợp đồng sẽ bị đưa vào “khuôn khổ” quản lý.
Đây cũng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chính thức trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần này.
Theo đó, từ 1/7/2015, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin: hành trình (điểm đầu, điểm cuối, điểm đón, trả khách), thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (email) hoặc qua tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử của Sở GTVT.
“Lái xe không được chở người không có trong danh sách hành khách; không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, dự kiến có 6.976 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng và 169 đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch sẽ bị điều chỉnh bởi quy định nói trên.
“Nghị định số 91 chưa có chế tài quản đối tượng này nên rất nhiều xe dù lợi dụng danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch để đón, trả khách trái quy định, cạnh trang không lành mạnh với những loại hình vận tải khác”, ông Thọ giải thích.
Ngoài xe hợp đồng và xe du lịch, cũng từ ngày 1/7/2015, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ; đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe đầu kéo sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải được thẩm định an toàn giao thông và cấp giấy chứng nhận an toàn giao thông theo quy định.
“Dồn điền” vận tải ô tô
Được biết, ngoài việc đưa thêm đối tượng chịu chế tài, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quy định về lượng xe tối thiểu khi kinh doanh vận tải ô tô tại Dự thảo trình Chính phủ.
Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2015, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh phải có từ 5 xe trở lên nếu có trụ sở tại các tỉnh miền núi, 20 xe nếu đặt trụ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương; 10 xe trở lên đối với các tỉnh còn lại.
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, các đơn vị có trụ sở ở miền núi phải có tối thiểu là 3 xe; tại các thành phố trực thuộc Trung ương là 10 xe và 5 xe đối với các tỉnh còn lại.
“Doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hàng hóa, taxi và vận tải hành khách theo tuyến cố định tới đây sẽ phải đáp ứng được quy định về số lượng xe kinh doanh tối thiểu mới được tham gia kinh doanh”, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nói.
Quy định về số lượng xe tối thiểu còn được Bộ GTVT đề nghị áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi, xe buýt, vận tải hàng khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
“Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp vận tải quá nhỏ, không thể đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về điều kiện an toàn giao thông. Việc quy định quy mô cũng sẽ có lộ trình để các doanh nghiệp dần thích ứng”, ông Hùng khẳng định.
Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề nghị xem lại quy định này vì sẽ đưa đến cách hiểu là, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mới được quyền kinh doanh vận tải.
Theo Thứ trưởng Thọ, một trong những hạn chế cơ bản tại Nghị định 91 được ban hành cách đây 4 năm chính là việc, chưa tạo ra được cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ sự tích tụ, cơ cấu lại lực lượng vận tải để hình thành các doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn với chất lượng dịch vụ văn minh.
Cần phải nói thêm rằng, kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về vận tải đường bộ tại 18 tỉnh, thành phố do Bộ GTVT tiến hành hồi cuối tháng 9/2013 cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ diễn ra đặc biệt phổ biến tại các HTX vận tải quy mô nhỏ.
Trong khi đó, qua kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An, Cần Thơ, số lượng HTX có quy mô từ 1 – 3 xe chiếm tới 50% lượng doanh nghiệp vận tải.
Điều đáng nói là, quy định về lượng xe tối thiểu lại nhận được sự đồng thuận cao từ phía Hiệp hội Vận tải ô tô.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tối thiểu doanh nghiệp vận tải hành khách phải có 20 đầu xe trở lên, chứ quy định ở mức 10 xe ở mức phổ thông được đề cập tại Dự thảo “chưa giải quyết vấn đề gì”.
Không những thế, ông Thanh còn cho rằng, với vận tải container không phải quá bó buộc như vận tải khách, nhưng cũng cần quy định quy mô ở mức lớn hơn, chứ 5 xe là quá manh mún.
“Doanh nghiệp dứt khoát phải đủ lớn để có bộ máy điều hành tập trung, có thể ứng dụng các tiến bộ về quản lý, khoa học công nghệ, an toàn giao thông, nếu không, ngành vận tải không thể phát triển được. Vận tải container cũng cần phải có sự “dồn điền”, không thể để tình trạng xé lẻ, cát cứ như bây giờ’, ông Thanh đề xuất.