Doanh nghiệp vận tải biển đạp sóng vươn lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024 được đánh giá là năm thuận buồm xuôi gió của doanh nghiệp ngành vận tải biển với sự tăng trưởng tích cực nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và số lượng đơn hàng.
Giá cước vận tải tăng, giá cho thuê tàu cũng phục hồi giúp doanh nghiệp ngành vận tải biển có lợi nhuận tốt Giá cước vận tải tăng, giá cho thuê tàu cũng phục hồi giúp doanh nghiệp ngành vận tải biển có lợi nhuận tốt

Nhận diện yếu tố tăng trưởng

Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong 6 tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nói chung và ngành vận tải biển nói riêng. Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190,1 tỷ USD, tăng trưởng 14,5% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng trưởng 17%. Ước tính, Việt Nam xuất siêu hơn 11,65 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu tăng đi cùng với lượng đơn hàng tăng cao là yếu tố thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp ngành vận tải biển tăng trưởng. Bên cạnh đó, một trợ lực mới cho nhóm doanh nghiệp này là giá cước vận tải có xu hướng tăng.

Theo Công ty Tư vấn hàng hải Drewry, giá cước vận tải giao ngay trung bình trên thế giới từ đầu năm 2024 đến nay đã tăng 80% và tăng gấp 3 lần so với mức đáy năm 2022.

Xu hướng này được dự báo sẽ còn duy trì ít nhất đến quý IV/2024 chủ yếu đến từ 2 động lực chính: Thứ nhất, sự gia tăng hàng tồn kho tại Mỹ và châu Âu từ đầu năm 2024, đặc biệt là việc Mỹ áp thêm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc từ tháng 8 khiến nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ tăng đột biến; thứ hai, khủng hoảng tại Biển Đỏ kéo dài khiến hải trình của các tuyến tàu dài thêm đáng kể. Nhu cầu vận tải tăng đột biến cùng với thời gian vận tải tăng lên kéo theo lo ngại về nguy cơ thiếu hụt container rỗng, tiếp tục đẩy giá cước vận tải lên cao.

Giá cước vận tải tăng, giá cho thuê tàu cũng phục hồi giúp doanh nghiệp ngành vận tải có lợi nhuận tốt hơn trong năm 2024. Ngoài ra, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đã nâng toàn bộ mức phí sàn dịch vụ của cảng biển trung bình lên khoảng 10%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp vận hành cảng biển.

Những “con tàu” tăng tốc

Tại Công ty cổ phần Xếp dỡ vận tải Hải An (mã HAH), trong 6 tháng đầu năm 2024, giá cước nội địa và nội Á của Công ty đã được điều chỉnh tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến, giá cước vận tải của Hải An sẽ tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm, nâng giá cước trung bình năm 2024 cao hơn 15% so với năm 2023 do lo ngại nguy cơ thiếu hụt container rỗng và nhu cầu về tàu biển cao trên thế giới.

Sản lượng khai thác tàu của Hải An được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh so với năm ngoái với dự kiến tổng sản lượng vận tải năm 2024 đạt hơn 525.000 TEU (tăng 20% so với năm 2023) do nhu cầu vận tải phục hồi, tuyến tàu mới liên tục được mở rộng và Công ty tiếp nhận 3 tàu đóng mới trong năm nay.

Với đà tăng của giá cước vận tải giao ngay thế giới, giá cho thuê tàu cũng hồi phục đáng kể. Nhu cầu thuê tàu trên thế giới tác động tích cực đến thị trường thuê tàu Việt Nam, giá các hợp đồng thuê tàu đã tăng đến 15% so với cùng kỳ. Hoạt động cho thuê tàu của Hải An dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận cao trong nửa cuối năm 2024.

Xuất khẩu tăng đi cùng với lượng đơn hàng tăng cao là yếu tố thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp ngành vận tải biển tăng trưởng. Bên cạnh đó, một trợ lực mới cho nhóm doanh nghiệp này là giá cước vận tải có xu hướng tăng.

Tương tự, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) ghi nhận kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến đạt 53% kế hoạch cả năm (chưa bao gồm lợi nhuận từ thoái vốn tại Cảng Nam Hải).

Năm 2024, Gemadept đặt mục tiêu doanh thu tăng 4% so với năm trước, lên mức 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng. Theo Gemadept, kết quả này đạt được là nhờ tăng sản lượng tại các cảng, kết hợp với việc áp dụng hiệu quả kế hoạch phòng ngừa suy thoái kinh tế.

Gemadept dự kiến khởi công cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 trong năm nay. Sau khi hoàn thành, cụm cảng Nam Đình Vũ sẽ trở thành cụm cảng sông có quy mô lớn nhất và có năng lực cạnh tranh cao nhất tại khu vực Hải Phòng, là cảng sông duy nhất có thể đón tàu trọng tải 48.000 DWT.

Năm 2024, cảng Nam Đình Vũ dự kiến có thêm 2-3 chuyến tàu và thêm 2 tuyến dịch vụ mới, kế hoạch sản lượng năm 2024 đạt khoảng 1,2-1,25 triệu TEU, tăng 10-15% so với năm 2023. Tại phía Nam, các cảng Phước Long, Bình Dương, Gemalink đều đang vận hành tốt và Gemadept tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, gia tăng năng lực khai thác.

Trả lời chất vấn của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Gemadept cho biết, giá cước hiện đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 34% so với tháng 5/2024, xu hướng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2204.

Việc tăng giá cước đến từ nhiều lý do như tranh chấp leo thang tại Biển Đỏ, xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, tình trạng thiếu tàu, thiếu trang thiết bị kéo dài…

Về giá xếp dỡ, tại Việt Nam thấp hơn khoảng 50% so với khu vực và thấp hơn 20-30% so với thế giới.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã có lộ trình tăng giá mỗi năm 10% để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc áp dụng tại mỗi khu vực sẽ có sự khác nhau chứ không đồng nhất. Cảng Gemalink có lợi thế cạnh tranh nên có điều kiện thuận lợi hơn để áp dụng quy định về tăng giá.

“Thị trường khởi sắc tiếp sức cho Gemadept, song vẫn chứa đựng những biến động khó lường nên trong kế hoạch năm nay, Công ty sẽ tiếp tục tập trung quản trị tốt rủi ro, quản trị dòng tiền”, lãnh đạo Gemadept chia sẻ thêm.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Container (Viconship, mã VSC), doanh nghiệp này đang khai thác 5 cảng với tổng công suất 2,4 triệu tấn, sau khi mua thêm cảng Nam Hải - Đình Vũ từ Gemadept. Ngoài ra, hệ thống cầu cảng VIMC Đình Vũ dài gần 1,5 km giúp Viconship tiếp kiệm được chi phí vận hành.

Cảng Hải Phòng là 1 trong 3 khu vực (bao gồm Hải Phòng, Vũng Tàu và TP.HCM) có lượng hàng container thông qua cảng biển lớn nhất, chiếm 27% tổng lượng container thông qua cảng biển tại Việt Nam.

Lượng hàng hóa container thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Hải Phòng đạt 7 triệu tấn, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao đem lại triển vọng tích cực cho Viconship khi đang chiếm khoảng 31% năng lực cụm cảng tại Hải Phòng.

Mới đây, ngày 3/7/2024, VietinBank Capital đã mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông lớn của Viconship với tỷ lệ sở hữu 16,12%. Viconship được dự phóng doanh thu năm 2024 đạt 2.508 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 397 tỷ đồng, tăng 97,2%. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Viconship sẽ được cải thiện trong năm nay, từ mức 30% tăng lên 32%.

Hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, doanh nghiệp ngành vận tải biển hứa hẹn một mùa kinh doanh khởi sắc và việc giá cổ phiếu ngành này trên thị trường chứng khoán diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản từ đầu năm đến nay đã phần nào phản ánh điều đó.

Theo dữ liệu thống kê, nhiều cổ phiếu vận tải biển tăng mạnh trong 1 năm qua, chẳng hạn HAH tăng 57,88%; GMD tăng 51,44%; TCW tăng hơn 34; CDN tăng 31,2%; CLL tăng hơn 24%... Dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu cảng biển vẫn rộng mở khi giá cước vận tải tiếp tục tăng.

Hải Minh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục