Nguồn cung dự kiến vượt cầu
Công ty cổ phần Xếp dỡ Vận tải Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) nhận định, thị trường vận tải biển và vận tải container năm 2024 sẽ có xu hướng ổn định hơn so với năm 2023 và có sự tăng nhẹ về giá cước vận tải cũng như giá thuê tàu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải biển đang đối mặt với hai thách thức không nhỏ.
Thứ nhất, nguồn cung tàu tiếp tục tăng. Các hãng tàu đã và đang có xu hướng đặt đóng các tàu siêu lớn (mega-ship), với sức chứa trên 18.000 TEU. Số lượng các tàu có sức chứa hơn 10.000 TEU cũng được đặt đóng ngày càng nhiều.
Clarkson ước tính, trong năm 2024, số lượng tàu giao mới chiếm 10,4% tổng nguồn cung đội tàu, tương ứng tăng thêm 2,95 triệu TEU, cao nhất kể từ năm 2010. Theo đó, năm nay, nguồn cung tàu dự kiến sẽ vượt 3,1% nhu cầu vận tải.
Thách thức thứ hai là các bất ổn địa chính trị trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung, nhu cầu vận chuyển hàng hóa nói riêng. Trong đó, xung đột Nga - Ukraine, Isarel - Hamas kéo dài, cộng với tình trạng căng thẳng tại biển Đỏ chưa hạ nhiệt buộc hầu hết các hãng vận tải biển phải di chuyển qua mũi Hảo Vọng, thay vì qua kênh đào Suez, dẫn tới tuyến đường dài hơn, thời gian vận chuyển lâu hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn, dù giá cước được điều chỉnh tăng.
Mặc dù vậy, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, ngành logistics có thể phục hồi về sản lượng nhờ hoạt động sản xuất đang gia tăng, từ đó làm giảm áp lực lên giá cước trung bình. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu giảm cũng là một yếu tố tích cực.
EIA dự báo, năm 2024 và 2025, giá dầu thô trung bình sẽ ở gần mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng, nhờ sự cân bằng về cung - cầu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải biển bình ổn chi phí nhiên liệu đầu vào trong thời gian tới.
Kỳ vọng tăng trưởng
Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc mở ra triển vọng tích cực cho nhóm doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển.
Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm 2024 (2 tháng, xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%) mở ra triển vọng tích cực cho nhóm doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển.
Về cảng biển, quy định mới về khung giá cước tại Thông tư 39/2023/TT-BGTVT đã có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, giá sàn và giá trần xếp dỡ cảng biển được điều chỉnh tăng 10%, tạo cơ hội cho các cảng biển tăng giá. Hiện tại, giá cước ở Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực, chỉ bằng khoảng 30 - 50% so với Singapore và thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) kỳ vọng, ngành cảng biển Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ triển vọng sản lượng hàng hóa xuất khẩu phục hồi. Bên cạnh đó, đầu tư công được thúc đẩy, các hệ thống giao thông được kết nối và hoàn thiện sẽ hỗ trợ ngành logistics và cảng biển hoạt động hiệu quả hơn, sôi động hơn.
Cảng Gemalink của Gemadept đang kinh doanh tốt, đón được nhiều tuyến tàu, nhất là tàu có tải trọng trên 22.000 TEU và những tàu đi châu Âu, Mỹ, nội Á (Đông Á và Bắc Á). Năm nay, Gemadept có kế hoạch đầu tư thêm các dự án logistics tại phía Nam với quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, nhằm mở rộng hệ sinh thái cảng và logistics.
Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, đối với hàng container, tổng sản lượng thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 4 triệu TEU, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 1,3 triệu TEU, tăng 20%; hàng nhập khẩu đạt hơn 1,2 triệu TEU, tăng 19%; hàng nội địa đạt gần 1,5 triệu TEU, tăng 40%.
Trong bối cảnh đó, Hải An lên kế hoạch năm 2024 đạt doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 32%, với đóng góp chính từ hoạt động khai thác tàu khi sản lượng dự kiến đạt 702.000 TEU, tăng 60% so với năm 2023.
Trong tháng 12/2024, Hải An đã nhận bàn giao 1 tàu container đóng mới có tải trọng 1.800 TEU mang tên HAIAN ALFA, đây là tàu mới hiện đại có tải trọng lớn nhất đội tàu container tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu gia tăng thị phần vận tải container và phạm vi hoạt động trên tuyến nội địa bằng việc tăng số chuyến và các cảng ghé mới, cùng với liên doanh ZIM-HAIAN phát triển các tuyến nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông), khai thác đội tàu hiệu quả thông qua việc áp dụng linh hoạt tỷ lệ tàu được Công ty tự khai thác và cho thuê định hạn, đồng thời tiết giảm các chi phí.
Với việc tiếp nhận tàu HAIAN ALFA và sẽ nhận thêm 3 tàu đóng mới trong năm 2024, Hải An dự kiến tìm kiếm các đối tác (các hãng tàu nước ngoài) để hợp tác khai thác chung, trao đổi chỗ trên các tuyến nội Á nhằm từng bước mở rộng khai thác các tuyến vận tải.
Hải An chia sẻ, với lĩnh vực khai thác cảng, depot (khu tập kết container rỗng và hàng hóa), logistics, Công ty phấn đấu năm 2024 đạt lợi nhuận cao hơn năm 2023 để hỗ trợ cho đội tàu. Hải An sẽ tiếp tục mua các tàu thích hợp khi có cơ hội để tăng năng lực, chất lượng cho đội tàu, đồng thời tích cực tìm kiếm và đầu tư vào các dự án hạ tầng nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, phấn đấu đến năm 2025 tăng sản lượng vận tải nước ngoài lên 30 - 40% tổng sản lượng vận tải hàng năm của đội tàu; tập trung thực hiện “số hóa” hoạt động quản lý, kinh doanh toàn bộ đội tàu trong năm 2024.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC) mở rộng dư địa tăng trưởng thông qua hoạt động mua cổ phần các doanh nghiệp trong ngành. Cuối tháng 1/2024, Công ty đã chi khoảng 82 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải An từ 2,96% lên 5% vốn điều lệ (tương đương 5,2 triệu cổ phiếu). Hiện Viconship đang triển khai chào bán hơn 133,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, mục đích huy động vốn chủ yếu là nhằm thâu tóm Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng), dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 79%.
Năm 2024, Viconship được Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 15% và 97% so với năm 2023.