Chật vật vì cước vận tải biển leo thang

0:00 / 0:00
0:00
Chưa kịp “hoàn hồn” vì một năm kinh doanh trầy trật, đơn hàng ít, doanh thu lẫn lợi nhuận bị lao dốc, thì mới đầu năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu lại đau đầu vì cước vận tải biển tăng vọt.
Giá cước vận tải biển tăng cao, khiến các công ty xuất khẩu ngày càng khó khăn Giá cước vận tải biển tăng cao, khiến các công ty xuất khẩu ngày càng khó khăn

Cước vận tải biển tăng phi mã

Tập đoàn Vina T&T Group mỗi tuần xuất hàng chục container trái cây tươi sang thị trường Mỹ, EU. Gần đây, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng 30-50%, thời gian vận chuyển tăng thêm khoảng 15 ngày. Điều này ảnh hưởng nhiều tới chất lượng hàng nông sản.

Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa đi Mỹ và châu Âu, thành thử, những tác động từ tăng giá cước vận tải biển là không nhỏ.

Thông tin từ Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), dù sản lượng gạo của doanh nghiệp xuất đi EU và Mỹ không nhiều so với các thị trường châu Á, nhưng giá cước vận tải biển biến động mạnh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp.

“Trước đây xuất gạo đi châu Âu, cước phí chỉ dưới 1.000 USD/container, nhưng nay tăng lên 3.000 - 4.000 USD/container, khó khăn thực sự đổ dồn lên vai doanh nghiệp”, đại diện Trung An chia sẻ.

Các nhà quản lý logistics cho biết, bất ổn ở Biển Đỏ dẫn tới một “cơn bão” trong thương mại toàn cầu, với giá cước vận tải tăng từng ngày, phụ phí gia tăng, thời gian mỗi chuyến hàng dài hơn và nguy cơ các chuyến hàng dành cho mùa xuân và mùa hè sẽ đến nơi muộn vì phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

CEO Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu cho hay, các doanh nghiệp trong Tập đoàn chịu áp lực tăng chi phí đầu vào từ căng thẳng tại Biển Đỏ. Trong khi đơn giá với hàng xuất khẩu khó tăng, đơn hàng vẫn trong xu hướng giảm của năm 2023 do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và các thị trường thắt chặt chi tiêu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tuần đầu của tháng 1/2024 biến động lớn, tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023.

Hiện tại mức giá vận chuyển container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ đã cao hơn khoảng 88% so với mức giá trước đại dịch Covid-19. Theo đó, giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực Tây Mỹ là 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực Đông Mỹ là 3.900 USD/container 40 feet, đi châu Âu là 4.900 USD/container 40 feet (theo báo giá của một số hãng tàu).

Điều đáng lo ngại là, ngoài việc tăng giá vận chuyển, thị trường vận tải cũng xảy ra việc hủy, bỏ chuyến khi trên các tuyến vận chuyển hàng hải chính của thế giới (xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á - Bắc Âu và Địa Trung Hải) đã có 78/650 tuyến bị hủy trong khoảng thời gian từ tuần thứ 2 của tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024, tỷ lệ hủy chiếm 12%.

Thông thường, đối với tuyến vận tải từ châu Á đi châu Âu, hành trình tàu đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez. Đây là tuyến đường ngắn nhất với chi phí tối ưu. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez, mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, khiến cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 14 ngày so với trước, phát sinh thêm rất nhiều chi phí vận chuyển, điều này khiến giá vận chuyển tăng cao và hiện tượng thiếu container có thể xảy ra.

Hiện, hơn 200 tỷ USD hàng hóa đã chuyển dịch ra khỏi kênh đào Suez, vốn là tuyến vận tải quan trọng trên toàn cầu. Tình trạng cước vận tải tăng cao chưa có điểm dừng sẽ dồn gánh nặng lên các mắt xích trong chuỗi ngành hàng.

Yêu cầu hỗ trợ cước vận chuyển

Do tránh tuyến Biển Đỏ, ngày càng nhiều chuyến tàu chở hàng chọn đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình bị kéo dài thêm nhiều và gia tăng cước phí.

Việc chuyển hướng để đi qua mũi Hảo Vọng, khiến các chuyến tàu chở hàng mất thêm 1-2 tuần để đến nơi. Các chuyến tàu đi từ châu Á sang châu Âu sẽ kéo dài thời gian nhiều hơn.

Để tránh sự chậm trễ, nhiều công ty chuyển sang vận chuyển hàng bằng đường không, dẫn tới giá cước vận tải đường không tăng mạnh.

Dữ liệu của Xeneta cho thấy, khối lượng hàng hóa trên một tuyến bay chính vận chuyển mặt hàng thời trang từ Việt Nam đến châu Âu tăng 62% trong tuần kết thúc vào ngày 14/1/2024, cao hơn 6% so với tuần cao điểm vào tháng 10/2023, tăng 16% so với 1 năm trước.

Hàng hóa vận chuyển trên các tuyến bay từ Việt Nam đến châu Âu chủ yếu là hàng may mặc, đã có sự chuyển đổi phương thức vận chuyển nhiều hơn từ đường biển sang đường hàng không. Thực tế này đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi phải bỏ thêm chi phí, trong khi đơn giá làm hàng xuất khẩu không tăng.

Lo ngại trước tình trạng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã yêu cầu hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ.

Theo đó, bộ này yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

“Cục Hàng hải có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục ra - vào cảng và việc xếp dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa”, Bộ GTVT yêu cầu.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục