Doanh nghiệp quy mô càng lớn, khả năng bị thanh kiểm tra càng cao

(ĐTCK) Kết quả khảo sát doanh nghiệp khi các cơ quan chức năng tiến hành đo lường chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 được công bố cho thấy, đối với đại đa số doanh nghiệp, các đợt thanh, kiểm tra không phải là một gánh nặng quá lớn.
Khâu tốn thời gian và phức tạp nhất trong quy trình làm thủ tục hải quan là khâu thanh tra, kiểm tra Khâu tốn thời gian và phức tạp nhất trong quy trình làm thủ tục hải quan là khâu thanh tra, kiểm tra

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp chịu nhiều “áp lực” hơn và doanh nghiệp có qui mô nhân sự hoặc vốn đầu tư càng lớn, khả năng bị thanh, kiểm tra càng cao.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp có quy mô trung bình thường bị thanh, kiểm tra 2 lần mỗi năm và con số này không thay đổi theo thời gian. Ngay cả với những doanh nghiệp bị thanh tra nhiều lần, số lần thanh tra cũng không tạo nhiều áp lực. Sự đa dạng trong các đợt thanh, kiểm tra trong năm 2014 cao hơn những năm trước, nhưng không có gì đáng báo động.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ ra một hiện trạng đáng quan ngại, đó là hàng năm vẫn có những trường hợp cho kết quả đột biến, hay nói cách khác, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp bị phiền hà quá mức. Chẳng hạn, trong năm 2014, có bốn doanh nghiệp bị thanh tra trên 20 lần và một doanh nghiệp bị thanh tra bởi 40 đơn vị khác nhau. Mức độ phiền hà không khác nhau nhiều giữa các ngành, nhưng tập trung vào những doanh nghiệp vừa và lớn.

Một doanh nghiệp trên 500 nhân sự có 10% khả năng nằm trong nhóm bị thanh tra quá mức, và nếu tăng 1 điểm về quy mô nhân sự, theo thang quy mô nhân sự 8 điểm, sẽ làm gia tăng khả năng bị thanh tra lên thêm 8%. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận khi đo lường quy mô bằng vốn đầu tư theo giấy phép đầu tư. Năm 2014, các doanh nghiệp Trung Quốc và Singapore có xu hướng bị thanh tra nhiều hơn doanh nghiệp các quốc gia khác (khoảng 6% so với mức trung bình toàn quốc là dưới 1%).

Một gánh nặng khác được phản ánh là thủ tục hải quan. 66% doanh nghiệp FDI trong mẫu điều tra cho biết họ thuê đại lý hải quan và 34% doanh nghiệp tự thực hiện các thủ tục về hải quan. Doanh nghiệp cho biết, khâu tốn thời gian và phức tạp nhất trong quy trình làm thủ tục hải quan là khâu thanh tra, kiểm tra. Đây cũng là khâu mà doanh nghiệp cho biết thường phải trả chi phí không chính thức nhiều nhất.

Kết quả điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (PCI-FDI) trong 2 năm gần đây cho thấy, trong tương quan so sánh với các quốc gia cạnh tranh, Việt Nam có lợi thế ở các lĩnh vực như: mức thuế, nguy cơ bị thu hồi tài sản, ổn định chính sách và khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Rõ ràng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cắt giảm gánh nặng quy định, chính sách cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp cho biết họ vẫn chịu nhiều chi phí cho các quy định, chính sách khi phải tuân thủ các thủ tục đăng ký kinh doanh, thanh tra, kiểm tra và thủ tục hải quan. Những vấn đề này được doanh nghiệp khuyến nghị đưa vào các chương trình nỗ lực cải cách chính sách sắp tới của Việt Nam.      

Theo Báo cáo khảo sát “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp cũng như công tác giải quyết khiếu nại, kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù lĩnh vực này đã có sự cải thiện song vẫn là gánh nặng khá lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

Theo đó, có trung bình trên một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đã bị thanh, kiểm tra thuế trong năm 2014. Trong đó đáng chú ý, các doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn thì khả năng bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao. 

Kết quả khảo sát cho thấy, theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp khai khoáng có tỷ lệ bị thanh, kiểm tra thuế cao nhất, tiếp đến là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. 

Đức Hòa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục