Thách thức kiểm tra, giám sát
Năm 2015, công tác quản lý, giám sát bảo hiểm nói chung, thanh kiểm tra nói riêng, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, cũng đã đạt được kết quả nhất định, giúp hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ theo pháp luật, khắc phục vi phạm, góp phần gia tăng sự minh bạch. Bên cạnh đó, việc kiện toàn hệ thống pháp lý liên quan đến bảo hiểm cũng tạo điều kiện để thị trường này phát triển ngày càng bền vững.
Không phủ nhận kết quả trên, nhưng theo ông Hà, năm 2015, việc kiểm tra/giám sát vẫn chưa đáp ứng được quy mô của thị trường dù đã được tăng cường hơn trước, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và trục lợi bảo hiểm vẫn tái diễn.
Trong khi lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thừa nhận, mặc dù năm 2015 đã tăng cường, đẩy mạnh việc thanh kiểm tra, song vẫn chưa tương xứng với quy mô và tính phức tạp của thị trường.
Quy mô thị trường ngày càng lớn, được thể hiện trên nhiều mặt, ví dụ như doanh thu bảo hiểm toàn thị trường năm 2015 ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Trong đó, bảo hiểm nhân thọ ước tăng trưởng gần 30%, còn bảo hiểm phi nhân thọ là 14%. Mức tăng trưởng này cũng đã đặt ra những thách thức nhất định với cơ quan quản lý trong kiểm tra/giám sát.
Đây cũng là năm mà theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI), năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm được tăng cường một cách vững chắc (theo box dưới).
Những yêu cầu mới
Trước quy mô thị trường ngày càng lớn, ông Hà cho rằng, công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục được tăng cường trong năm 2016. Việc tăng cường này ngoài mục đích cảnh báo và răn đe, còn tạo điều kiện để thị trường phát triển bền vững, an toàn.
Năng lực tài chính doanh nghiệp bảo hiểm qua một số chỉ tiêu năm 2015
- Giá trị tổng tài sản ước đạt 201.132 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ, trong đó khối phi nhân thọ là 69.473 tỷ đồng, khối nhân thọ là 131.659 tỷ đồng.
- Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng tới gần 24%, ước đạt 120.000 tỷ đồng.
- Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế - xã hội. Tổng số tiền đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2015 ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014, trong đó, khối phi nhân thọ là 36.406 tỷ đồng, còn khối nhân thọ là 116.137 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam, giá trị lên tới hơn 6.200 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2016, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sẽ tăng cường giám sát từ xa, kiểm tra, thanh tra tại chỗ nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với giám sát từ xa, sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện đánh giá DN theo định kỳ, kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo Bộ Tài chính đưa ra phương án xử lý.
Còn với công tác kiểm tra, sẽ tập trung vào việc tách quỹ và phân chia thặng dư tại 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, kiểm tra hoạt động môi giới bảo hiểm và hoạt động quản lý tài chính tại 4 DN môi giới bảo hiểm. Về thanh tra, sẽ thanh tra chuyên đề 4 doanh nghiệp bảo hiểm và thanh tra toàn diện 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Năm 2016 cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, mà ở đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo hiểm, duy trì đà tăng trưởng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm, hướng tới chuẩn mực quốc tế trước thềm hội nhập.
Về doanh thu thị trường bảo hiểm năm 2016, AVI cũng dự kiến mức tăng trưởng đối với khối bảo hiểm nhân thọ là 25%, khối bảo hiểm phi nhân thọ là trên 18%, cùng với nhiều mục tiêu phát triển khác như đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh tái cấu trúc DN, nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp bảo hiểm… Bởi vậy, mục tiêu tăng trưởng sẽ đặt thêm thách thức cho cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm trong thời gian tới.
Không dừng lại ở đó, thách thức còn đến từ việc khắc phục những tồn tại “cố hữu” của thị trường bảo hiểm như cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm; một số khoản mục đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm còn hiệu quả thấp/rủi ro cao; mức độ tin cậy của số liệu thống kê kế toán còn hạn chế; chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh của toàn ngành bảo hiểm...