Doanh nghiệp nóng lòng bàn kế hoạch phục hồi xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Các phương án mở cửa lại sản xuất đang được doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu là chuyển nhanh hoạt động sản xuất, lưu thông sang trạng thái “chung sống an toàn với Covid-19”.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Đòi hỏi cách làm mới

Cuối tuần trước, 14 hiệp hội doanh nghiệp, gồm cả trong nước và nước ngoài, đã tiếp tục có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Lần này là đề xuất Chiến lược Phòng chống dịch theo quan điểm phục hồi sản xuất, kinh doanh, an toàn trong bối cảnh mới.

Cụ thể, các hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch mới, phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay thế Chỉ thị số 15, 16. “Chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc”, khuyến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ.

Các điều kiện, tiêu chí mà các hiệp hội cho rằng cần thống nhất liên quan trực tiếp đến những điều kiện mở cửa lại hoạt động kinh tế, mở cửa lại các nhà máy. Ví dụ, điều kiện người lao động được đi làm; nguyên tắc phòng chống dịch bệnh tại nơi sản xuất, trong lưu thông hàng hóa; áp dụng thống nhất 1 phần mềm quản lý trong phòng chống dịch; thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, có thể sử dụng bản scan đối với các thủ tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho đến khi hoàn tất triển khai dịch vụ công cấp độ 4...

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội cũng nói rõ tình trạng nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm; nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ...

Chỉ riêng trong ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), chỉ khoảng 30% nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực từ Nam Trung bộ đổ vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”, với lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 10-50% số lao động.

Với tình trạng này, VASEP tính toán, trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất việc làm, kéo theo ít nhất số lượng tương tự của các lao động trong chuỗi sản xuất ngành này.

Doanh nghiệp đang sẵn sàng chuyển dịch

Bức tranh xám màu của doanh nghiệp thủy sản cũng được VASEP báo cáo tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách vào cuối tuần trước.

Hiệp hội này cũng nhận định, công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% cho cả ngành chế biến thủy sản, riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất.

Vấn đề mà VASEP lo ngại hơn cả là chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp trong ngành có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Theo tính toán, để khôi phục được 50% công suất, doanh nghiệp sẽ cần 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5-2 năm.

“Nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9/2021 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất. Chúng tôi đã nghiên cứu các phương án với mục tiêu tới cuối năm 2021 có thể phục hồi được trên 50% công suất chế biến, kích cầu cho nông dân thả giống và ngư dân tiếp tục bám biển. Mục tiêu là mở cửa lại từng phần nhà máy. Các đề xuất cụ thể đã gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP chia sẻ.

Điều đáng nói trong đề xuất này là mong muốn các bộ, ngành, địa phương hợp tác, hỗ trợ ngay trong giai đoạn xây dựng kịch bản, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa. Ví dụ, đề nghị các địa phương cần xác định là để tái khởi động kinh tế, việc ưu tiên tiêm vắc-xin phải thực hiện theo chuỗi, ví dụ trong thủy sản, ưu tiên cho người lao động đang làm việc tại các nhà máy, khu chế xuất và cả chuỗi cung ứng liên quan như trại giống, vùng nuôi, cảng cá, ngư dân…”. Hay mục tiêu lưu thông thông suốt gồm cả lưu thông giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu để việc đi lại của người nuôi, người thu hoạch, thương lái... được thuận lợi.

Thực tế, các khuyến nghị này không mới, nhưng lần này đặt trong bối cảnh các kịch bản phục hồi đang được xây dựng. Các doanh nghiệp đang rất nóng lòng tham gia góp ý vào kịch bản này.

14 hiệp hội cũng đề nghị các ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương cần bố trí tăng thêm các đại diện của khối kinh tế và đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp...

“Thời gian còn lại của năm không nhiều, doanh nghiệp đang trong tình thế nhanh 1 ngày có thể sống, chậm 1 ngày có thể chết, nên rất mong các khuyến nghị được các bộ, ngành, Chính phủ cân nhắc”, ông Nam nói thêm.

Một số đề xuất hỗ trợ phục hồi kinh tế của 14 hiệp hội doanh nghiệp

- Thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước, các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; Miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn.

- Hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch.

- Hỗ trợ đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ: Cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng; Gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục