Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương vừa công bố, có thể cho phép một số hoạt động kinh tế ở các vùng xanh. Doanh nghiệp đang trông đợi các kế hoạch này một cách cụ thể hơn, vì nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức, thưa ông?
Điểm sáng là kinh tế thế giới phục hồi tương đối nhanh, nhất là ở các thị trường trọng điểm, đối tác lớn của Việt Nam. Trong nước, độ bao phủ vắc-xin đang lớn dần. Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Đây là các điều kiện để nói về giai đoạn bình thường mới.
Nhưng phải thẳng thắn, kinh tế vẫn rất khó khăn, chúng ta phải chấp nhận không phải 100% doanh nghiệp có thể quay trở lại, cũng không phải các doanh nghiệp có thể hoạt động với năng lực sản xuất như trước. Khảo sát của nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã phải nói đến tình trạng doanh nghiệp suy kiệt.
Doanh nghiệp đóng cửa, đứt chuỗi cung ứng, mất doanh thu, đã dẫn đến tình trạng suy kiệt về tài chính, mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán. Đặc biệt, khả năng thiếu hụt lao động đang hiện hữu khi người lao động nghỉ việc, tản về các địa phương. Không ít doanh nghiệp mất đơn hàng, mất một phần thị trường xuất khẩu, nên việc khôi phục không đơn giản.
Trong khi đó, thị trường trong nước cũng ảnh bị hưởng nghiêm trọng, cầu rất yếu.
Nếu không có một chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện, thì phục hồi sẽ rất chậm và nhiều đau đớn.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Kế hoạch Phục hồi và Phát triển kinh tế. Là chuyên gia kinh tế, theo ông, kế hoạch này nên đề cập những nội dung gì?
Thứ nhất, đây phải là một chương trình tầm quốc gia, với sự tham gia chỉ đạo, xây dựng của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, vì có thể sẽ có những thay đổi một số nội dung trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua.
Thêm nữa, nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân đang bị tác động rất lớn, ở mức chưa từng có, chưa từng có tiền lệ, nên chúng ta cần sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, các cơ quan cao nhất của đất nước. Theo tôi, có thể tính tới việc thành lập Ủy ban Phục hồi - Phát triển kinh tế để xây dựng ngay những đạo luật, chính sách cần thiết cho sự phục hồi.
Thứ hai, mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy phục hồi kinh tế, sinh kế của người dân và doanh nghiệp, sau đó thúc đẩy tăng trưởng. Có thể giữ nguyên mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhưng biện pháp và giải pháp phải mạnh mẽ, khác biệt hơn nhiều so với những cái chúng ta đã xây dựng trong kế hoạch và đang thực hiện.
Thứ ba, phải đặt rõ thời hạn, dài nhất 3 năm, chứ không thể kéo dài. Vì đây sẽ là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Có thể nói, đó là những giải pháp dài hạn. Nhưng doanh nghiệp đang cần những hỗ trợ cấp bách, vì nếu không sẽ không thể tồn tại, thưa ông?
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ gồm cả các giải pháp trước mắt, để tồn tại trước. Nhưng khi xây dựng kịch bản phục hồi cho nền kinh tế, sẽ phải nhìn vào những doanh nghiệp có thể đứng lên, vượt lên, những doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, từng doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch trước mắt, lâu dài, phải nhìn vào khả năng phát triển. Nếu lúc này, doanh nghiệp nào không thấy cơ hội vượt qua, sẽ phải tìm phương án mới, có thể đóng cửa, làm lại. Vì vậy, trong kịch bản phục hồi kinh tế tới đây, quan điểm của tôi là cần có thể chế mới để thúc đẩy sự chuyển dịch trên, tạo ra cơ hội mới để những doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy rõ, lên kế hoạch bước tiếp.
Về nội dung của chương trình phục hồi kinh tế, quan điểm của tôi là tập trung vào 4 trụ cột chính.
Một là, thực hiện từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế. Giai đoạn này chỉ nên kéo dài khoảng 6 tháng.
Hai là, phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công. Các dự án có trong quy hoạch, đã được phê duyệt trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 cần được triển khai ngay. Phải chấp nhận bội chi ngân sách để thực hiện nhanh các dự án hạ tầng kết nối, từ đó “bơm máu” cho nền kinh tế...
Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư. Có thể phải thay đổi mục tiêu ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo địa bàn, có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào các trung tâm kinh tế, theo các ngành nghề, lĩnh vực tạo năng lực sản xuất mới.
Bốn là, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, theo tôi, nếu chúng ta không tận dụng thời điểm này để có kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế một cách quyết liệt, với cách làm khác biệt, lấy hiệu quả làm thước đo, chấp nhận rủi ro chính sách..., thì chúng ta rất có thể sẽ tụt hậu xa hơn. Những gì chúng ta đang nhìn thấy là thế giới đang vượt lên rất nhanh bởi những thay đổi quản trị, khoa học, công nghệ...
Theo ông, trong thời điểm này, việc gì cần ưu tiên?
Phải đặt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế song song, xác định đúng như Chính phủ đã đặt ra là mục tiêu kép. Ưu tiên trước mắt là vắc-xin và và mở cửa kinh tế, tạo thuận lợi nhất cho người dân, đừng đặt thêm những lệnh hành chính...
Để mở cửa, cần có những hướng dẫn cụ thể về kinh doanh an toàn, sản xuất an toàn. Cùng với đó là hướng dẫn tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực và cơ chế giám sát, phản hồi, với mục đích các chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất - kinh doanh phải được ráo riết thực hiện một cách triệt để, làm tới đâu gọn gàng, hiệu quả tới đó.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện mạnh mẽ hơn vì tổn thất của doanh nghiệp hiện tại là chưa bao giờ có. Với doanh nghiệp đang tạm ngừng, khó khăn, thì cần hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp trong vùng dịch tiếp cận vốn. Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực để tháo gỡ rào cản, tháo bỏ các loại quy định gây ách tắc lưu thông, giảm tối đa các loại chi phí, không đặt thêm các mệnh lệnh hành chính... Thời gian giãn, hoãn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí cả năm 2024 để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn dành cho phục hồi.
Dành sự hỗ trợ ưu tiên các ngành hàng thiết yếu, các khu công nghiệp, ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp cho xuất khẩu. Cùng với đó, có thể xem xét miễn giảm thuế suất thuế VAT để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tiêu dùng.
Tiếp theo là thúc đẩy cầu, nâng cao năng lực sản xuất, phục hồi tổn thương và phát triển các năng lực sản xuất mới qua việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!