Nhiều điểm nghẽn
Theo Bộ Tài chính, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế, cũng như so với quy mô thị trường của các nước trong khu vực và nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp (DN). Tính đến tháng 5/2016, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 3,5% GDP, rất nhỏ so với kênh tín dụng của ngân hàng (dư nợ tín dụng tương đương 115,85% GDP).
Dư nợ thị trường TPDN của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 22% GDP của các nước trong khu vực, trong đó 99% TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ. Quy mô của thị trường TPDN Việt Nam còn nhỏ do bối cảnh kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, còn nhiều hạn chế về cơ sở nhà đầu tư, khung pháp lý để phát hành TPDN đang bộc lộ bất cập...
Một vướng mắc lớn đang gây khó cho DN phát hành trái phiếu là điều kiện phát hành quá chặt, không phù hợp với thực tế. Cụ thể, đối với phát hành trái phiếu trong nước, DN phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi; đồng thời, báo cáo tài chính được kiểm toán của DN phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.
Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai cho thấy điều kiện này là khá chặt và chưa phù hợp với các DN phát hành trái phiếu có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, bởi các DN này đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính và khó đạt được kết quả hoạt động kinh doanh có lãi. Yêu cầu bắt buộc DN phát hành có báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần tạo áp lực cho DN công bố báo cáo tài chính không thật sự minh bạch.
Đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, để phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, yếu tố quan trọng nhất là DN phải đáp ứng quy định và yêu cầu của thị trường phát hành. Theo Bộ Tài chính, quy định về điều kiện phát hành tại Nghị định 90/2011 có thể không phù hợp với thông lệ và yêu cầu của thị trường phát hành, nên làm gia tăng các thủ tục hành chính không cần thiết đối với DN phát hành ra thị trường quốc tế.
Liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành, Nghị định 90/2011 quy định DN có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phát hành, thì đăng ký phát hành trái phiếu theo năm tài chính. Theo đó, DN thực hiện thông báo kế hoạch phát hành một lần và có thể chia thành nhiều đợt phát hành trong năm tài chính. Hồ sơ phát hành chỉ xem xét trong năm tài chính, nên nếu thời điểm của các đợt phát hành vào các năm khác nhau, thì DN sẽ phải xây dựng lại hồ sơ, phương án phát hành.
Thực tế triển khai cho thấy, trường hợp DN phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để giảm thiểu chi phí huy động vốn, DN phát hành trái phiếu theo tiến độ và nhu cầu vốn của dự án. Đối với các dự án đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài hơn 1 năm, DN phát hành sẽ phải xây dựng lại hồ sơ và phương án phát hành, nên làm gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến thời điểm, hiệu quả huy động vốn của DN. Hiện một số quốc gia trong khu vực, DN được xây dựng phương án phát hành và đăng ký chương trình phát hành trái phiếu trong thời gian 3 - 5 năm. Trong thời gian đăng ký, DN căn cứ diễn biến thị trường để chủ động lựa chọn thời điểm phát hành.
Về cơ chế báo cáo và công bố thông tin, Nghị định 90/2011 quy định DN phát hành phải thông báo bằng văn bản về phát hành trái phiếu với Bộ Tài chính và thực hiện công bố công khai thông tin. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số DN chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc thông báo kế hoạch phát hành, báo cáo kết quả phát hành và chế độ báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động, tài chính cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Cách thức thông báo, công bố thông tin hiện nay chưa thiết lập được hệ thống thông tin đồng bộ, tập trung về TPDN, nên thông tin dữ liệu về TPDN chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các DN có nhu cầu phát hành trái phiếu.
Về đăng ký, lưu ký TPDN, Nghị định 90/2011 quy định TPDN được đăng ký, lưu ký tại các tổ chức lưu ký và niêm yết, giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán theo yêu cầu của chủ sở hữu trái phiếu, nhưng không quy định bắt buộc. Thực tế cho thấy, các DN phát hành trái phiếu và nhà đầu tư sở hữu trái phiếu không thực hiện đăng ký, lưu ký TPDN; thông tin về chủ sở hữu TPDN, cũng như thông tin về tình hình trả nợ gốc, lãi TPDN không được tập hợp đầy đủ, nên gây khó cho kiểm tra, giám sát trả nợ gốc, lãi cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và các hoạt động giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp.
Đề xuất hướng gỡ
Để tháo gỡ bất cập về điều kiện phát hành, Bộ Tài chính đề xuất, đối với phát hành trái phiếu trong nước: bỏ điều kiện DN phát hành phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và báo cáo tài chính được kiểm toán của DN phải là báo cáo kiểm toán nêu chấp nhận toàn phần. Tuy nhiên, DN phải nêu rõ ảnh hưởng và mức độ trọng yếu của yếu tố ngoại trừ nêu tại báo cáo tài chính được kiểm toán. Đồng thời, để bảo vệ nhà đầu tư, dự thảo Nghị định quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin; đăng ký, lưu ký TPDN...
Đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế: bỏ quy định về điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành. Trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường trái phiếu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011 quy định theo hướng DN được phép phát hành nếu đáp ứng được điều kiện quy định của thị trường phát hành, phương án phát hành trái phiếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận và có văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về khối lượng trái phiếu phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia...
Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành là khi DN có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phát hành thì phải đăng ký phát hành trái phiếu theo năm tài chính, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP không yêu cầu DN đăng ký phát hành theo năm tài chính, nhưng phải nêu rõ tại phương án phát hành số lượng đợt phát hành, thời gian dự kiến phát hành TPDN.
Xây dựng Trung tâm thông tin TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán
Ý kiến từ Bộ Tài chính
Nội dung mới của dự thảo Nghị định là xây dựng Trung tâm thông tin TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán để tổng hợp, theo dõi, giám sát thị trường TPDN. Trung tâm thông tin TPDN có chức năng giám sát việc thực hiện cơ chế công bố thông tin, tính chính xác, trung thực của thông tin để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011 quy định cách thức công bố thông tin bao gồm: trước và sau phát hành, định kỳ đến khi trái phiếu đáo hạn và yêu cầu DN thực hiện công bố thông tin thông qua Trung tâm thông tin TPDN. DN phát hành đăng ký TPDN tại Trung tâm Lưu ký hoặc thành viên của Trung tâm Lưu ký. Đối với việc lưu ký trái phiếu, chủ sở hữu trái phiếu có quyền quyết định như quy định tại Luật Chứng khoán.
Quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011 đảm bảo DN phát hành thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công bố thông tin, chuẩn hóa thị trường TPDN, từ đó xây dựng hệ thống thông tin toàn diện về thị trường TPDN. Trên cơ sở đó, hoàn thiện, nâng cao tính minh bạch của thị trường, hỗ trợ thanh khoản của TPDN và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, thị trường vốn.
Trung tâm thông tin TPDN Nên đặt tại Hiệp hội Thị trường trái phiếu
Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng là thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA)
Theo quy định hiện hành, các DN phải công bố thông tin về các đợt phát hành TPDN tới Bộ Tài chính. Nay tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính đề xuất Sở Giao dịch chứng khoán là đầu mối tổng hợp thông tin, đồng thời theo dõi, giám sát thị trường TPDN. Hướng điều chỉnh này không hợp lý, vì nếu là trái phiếu được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thì có thể làm theo hướng này. Tuy nhiên sẽ có những trường hợp DN và trái chủ không muốn niêm yết trái phiếu, nhưng lại buộc họ gửi thông tin đến Sở Giao dịch chứng khoán để tổng hợp và công khai ra thị trường e rằng không phù hợp.
Kinh nghiệm tại nhiều thị trường, chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan... cho thấy, với tính chất bao quát và trung lập, Trung tâm thông tin TPDN được đặt tại Hiệp hội Thị trường trái phiếu thường mang lại kết quả tích cực. Nhiều ý kiến đề nghị Trung tâm thông tin TPDN nên đặt tại VBMA, nhưng đến nay chưa đồng thuận. Cần tham khảo kinh nghiệm các nước để xây dựng mô hình hoạt động của Trung tâm này sao cho phù hợp và khả thi, qua đó cải thiện tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường TPDN Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, kể từ khi áp dụng Nghị định 90/2011 từ năm 2011 đến tháng 5/2016, có 347 đợt đăng ký phát hành TPDN tại thị trường trong nước với khối lượng đăng ký phát hành 276.792 tỷ đồng, trong đó có 252 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế là 185.543 tỷ đồng. Dư nợ TPDN phát hành trong nước hiện tại là 144.472 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 4,85 năm. Hầu hết các DN phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, xác định lãi suất phát hành theo phương thức thả nổi và căn cứ vào lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại lớn cộng thêm biên độ từ 2- 4%/năm.
Nhà đầu tư nắm giữ TPDN chủ yếu là nhà đầu tư trong nước (nắm giữ khoảng 98% dư nợ TPDN), còn lại nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Đối với nhà đầu tư trong nước, ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 75,5% dư nợ; công ty chứng khoán khoảng 13,21% dư nợ; công ty bảo hiểm khoảng 0,8% dư nợ; quỹ đầu tư khoảng 2,57% dư nợ; nhà đầu tư cá nhân khoảng 1,87% dư nợ; loại hình nhà đầu tư khác khoảng 6,31% dư nợ.