Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành HNX đã cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí tháng 9 vừa qua. Theo nghiên cứu của HNX, trái phiếu xanh được áp dụng tại nhiều TTCK quốc tế và vì thế, Việt Nam cần sớm định hình tiêu chí trái phiếu xanh, trong xu hướng đầu tư có trách nhiệm đang là một chuẩn mực trên thị truờng tài chính toàn cầu.
Phát triển trái phiếu xanh, nhìn từ Pháp
Tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, xu hướng đầu tư có trách nhiệm với xã hội là một chuẩn mực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển. Cách thức và nguyên tắc đầu tư có nguyên lý dựa trên những giá trị xã hội này đã và đang tạo ra động lực cho sự phát triển của trái phiếu xanh.
Trên thực tế, khái niệm trái phiếu xanh mới được giới thiệu tại Pháp từ năm 2007. Dù chưa có một định nghĩa chính thức nào về sản phẩm này, nhưng trái phiếu xanh được hiểu là công cụ huy động vốn cho các dự án/hoạt động đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó có thể sẽ đáp ứng tất cả hoặc một phần quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG); các dự án chuyển đổi sang năng lượng bền vững, kiểm soát cách thức thay đổi hành vi tiêu dùng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch, nhằm ngăn chặn hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc về năng lượng hóa thạch đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Phát hành trái phiếu xanh cho phép các thể chế này đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tạo kênh vốn cạnh tranh, hỗ trợ cho phong trào đầu tư có trách nhiệm với xã hội và nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang ngày tăng tại Pháp cũng như trên toàn châu Âu.
Một động lực thôi thúc mạnh mẽ sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Pháp cũng như châu Âu, đó là xu hướng phi carbon hóa danh mục đầu tư đang ngày càng mạnh mẽ ở lục địa già. Các nhà đầu tư đã đưa vào tính toán những rủi ro khi đầu tư vào những tài sản có giá trị gắn với nguyên liệu hóa thạch, chỉ đầu tư cho các sản phẩm tài chính có dán nhãn và chỉ báo xanh.
Hiệp hội Quản lý Tài sản của Pháp (AFG), đại diện cho các công ty quản lý tài sản của Pháp thậm chí đã đưa ra quan điểm về đầu tư cho các thành viên trong Hiệp hội, là phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về sản phẩm tài chính được xem xét có dán nhãn là xanh trong cuốn sổ tay nghề nghiệp xuất bản vào tháng 3/2015 với tiêu đề: “Trái phiếu phát triển bền vững: các đặc tính cơ bản và thông lệ tốt nhất cho các quỹ đầu tư ISR”.
Theo đó, Hiệp hội này khuyến nghị các quỹ đầu tư chỉ xem xét các tổ chức phát hành có minh bạch cao về dự án, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đầu tư mà nhà đầu tư kỳ vọng mang lại cho xã hội; các lợi ích về xã hội và môi trường mà các khoản đầu tư này mang lại phải rõ ràng và có thể lượng hóa được.
Sở GDCK Euronext hoạt động rất tích cực trên thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu đang triển khai chiến lược hỗ trợ cung cấp tài chính cho các chương trình, dự án phát triển bền vững thông qua việc phát hành trái phiếu xanh ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp khác nhau (lớn, trung bình, nhỏ; công – nửa công nửa tư…). Ngoài ra, còn phải kể đến hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh về thuế, giải ngân các nguồn vốn công, phát triển nguồn vốn của các quỹ tương hỗ.
Được biết, Pháp là quốc gia chiếm gần 11% quy mô phát hành loại trái phiếu xanh trên thế giới trong năm 2015.
Phát triển tài chính tại Nam Phi, kinh nghiệm quý cho Việt Nam
Từng là quốc gia nằm trong nhóm phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu, Nam Phi sau đó đã được Bloomberg xếp hạng trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu về đầu tư năng lượng sạch. Câu chuyện đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh nhằm tài trợ cho các dự án phát triển bền vững và thân thiện với môi trường của quốc gia châu Phi này là kinh nghiệm quý cho Việt Nam.
Năm 2011, Nam Phi ban hành bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (CRISA). Bộ nguyên tắc này khuyến khích thực hiện 5 nguyên tắc hỗ trợ các nhà đầu tư có tổ chức trong việc áp dụng các hoạt động đầu tư có trách nhiệm, bao gồm cả các yếu tố xã hội – môi trường. CRISA cũng yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hoạt động và rủi ro xã hội, môi trường của công ty.
Cùng với các tổ chức quốc tế, Chính phủ Nam Phi bước đầu giới thiệu và thử nghiệm các bộ quy tắc, quy định về chuẩn mực áp dụng với trái phiếu xanh. Theo bộ nguyên tắc này, những ngành chính đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ và đầu tư từ trái phiếu xanh, như các ngành về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, vận tải sạch, quản lý nước bền vững, quản lý chất thải, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng. Một ngân hàng tiêu chuẩn của Nam Phi sẽ được tổ chức phát hành lựa chọn để đảm bảo tổ chức phát hành tuân thủ quy trình cũng như dự án sử dụng nguồn vốn là dự án xanh. Tổ chức phát hành được khuyến khích thuê kiểm toán độc lập, xác nhận kinh phí phân bổ từ nguồn tiền thu được...
Nhờ những biện pháp tích cực của chính quyền và sự ủng hộ của giới đầu tư, trái phiếu xanh được phát hành tại Nam Phi tài trợ cho các dự án phát triển bền vững và thân thiện với môi trường trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ năng lượng, tới xử lý chất thải, vận tải… liên tục ghi nhận tốc độ phát triển và tăng trưởng ấn tượng.
Kể từ khi trái phiếu xanh lần đầu tiên được phát hành tại Nam Phi vào năm 2012 cho dự án về năng lượng xanh cho tới cuối năm 2015, con số thực tế đã tăng gấp 20 lần với sự tham gia rộng khắp từ các tổ chức đa phương tới doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Nếu như năm 2012, số vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh đạt 2,6 tỷ USD, thì đến năm 2015, con số này đạt 41,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, lĩnh vực ngành nghề nhận vốn từ trái phiếu xanh cũng rất đa dạng, từ năng lượng tới xử lý chất thải, giao thông vận tải… Tuy nhiên, năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả vẫn là hai lĩnh vực chủ đạo trong nhận vốn phát triển từ trái phiếu xanh với quy mô lên tới hơn 60% lượng vốn huy động, tính riêng cho năm 2015.
Năm 2014, Johannesburg phát hành thành công 1,458 tỷ Ran (tương đương 140 triệu USD) trái phiếu chính quyền địa phương tại châu Phi để tài trợ cho dự án giảm thiểu khí phát thải, bao gồm các dự án về năng lượng sinh học khí, năng lượng mặt trời và giao thông vận tải bền vững. Trái phiếu chính quyền địa phương Johannesburg có kỳ hạn 10 năm, lãi suất coupon 10,18%, được phát hành với mức chênh lợi suất 185 điểm cơ bản, cao hơn 1,85% so với trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn.
Đợt phát hành diễn ra thành công với khối lượng đặt thầu bằng 150% khối lượng gọi thầu. Sau khi Johannesburg tiên phong trong phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh tại châu Phi, các địa phương khác cũng tiếp bước phát hành trái phiếu để huy động vốn cho nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án thân thiện với môi trường.
Thực tế, trước khi phát hành trái phiếu xanh, Johannesburg đã có một quá trình phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành công, thu hút các nhà đầu tư quan tâm, do đó, việc thông tin, quảng bá phát hành trái phiếu xanh thuận lợi hơn. Johannesberg cũng có hệ số xếp hạng tín nhiệm rất cao, AA (hãng Fitch) và Aa+ (hãng Moody’s) và chính quyền Thành phố rất quan tâm đến việc duy trì tỷ lệ tín nhiệm này, để đảm bảo các đợt phát hành trái phiếu thành công.
Sở dĩ đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh của Johannesberg thành công như vậy là vì trước đó, từ năm 2006, Johannesburg đã thành lập Quỹ Sinking Fund (chịu trách nhiệm cho các dự án xã hội) để đảm bảo lòng tin của giới đầu tư vào trái phiếu xanh do nhiệm kỳ của chính quyền là 5 năm, mà các trái phiếu xanh thường có kỳ hạn 10 năm.
Gieo trồng niềm tin đúng chỗ chắc chắn sẽ nhận trái ngọt. Lãnh đạo HNX cho rằng, kinh nghiệm của các thị trường lớn trên thế giới đang là những bài học quý cho Việt Nam trên con đường xây dựng thị trường trái phiếu chính phủ hiệu quả, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, theo Chiến lược phát triển TTCK mà Chính phủ đã đề ra.