Gọi vốn bằng trái phiếu qua quỹ đầu tư mạo hiểm

(ĐTCK) Việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) là cần thiết nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, để các quỹ đầu tư mạo hiểm này thu hút vốn đầu tư, cần có những cơ chế phù hợp, như phát hành trái phiếu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm

Vốn, bài toán khó với các startup

Một ý tưởng kinh doanh hay có thể chết yểu chỉ vì những người khởi nghiệp không xoay xở được nguồn vốn để triển khai, hoặc chịu áp lực tài chính quá lớn khi vay vốn tín dụng hoặc các nguồn khác với lãi suất cao. Nhưng nếu ý tưởng kinh doanh đó được tiếp sức bởi các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn thì có thể thành công và khi đó, đồng vốn đầu tư cho các startup này cho hiệu quả sinh lời tốt.      

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn là điều không dễ dàng, bởi độ rủi ro của các dự án khởi nghiệp rất cao và việc định giá các dự án không dễ dàng gì. Ở giai đoạn sơ khai, rất khó để định giá một dự án chỉ dựa trên ý tưởng mà người khởi nghiệp trình bày. Ngay cả khi dự án đã có hình hài cụ thể, cho doanh thu và tăng trưởng thì việc định giá cũng vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, đây phần lớn vẫn là mô hình kinh doanh cá thể, đơn lẻ, chưa được tổ chức thành một doanh nghiệp thực thụ, dẫn đến có những con số định giá chủ yếu mang tính ước tính và phỏng đoán.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán mới đây, một nhà đầu tư vào một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang cho biết, dự án này có xuất phát điểm là một xưởng gia công quần áo, có sản lượng tiêu thụ tăng trưởng đều đặn, nhưng chưa có thương hiệu trên thị trường. Sổ sách kế toán của xưởng may này cũng còn rất sơ sài, chỉ là ghi chép lại số lượng hàng hóa đầu vào, đầu ra, chi phí nhân công, vật liệu, mà không hạch toán các chi phí như chi phí quản trị, chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí bán hàng nên việc áp dụng các phương pháp định giá thông thường là không thể. Khi những người sáng lập xưởng may tách ra hoạt động, thành lập công ty khởi nghiệp về thời trang thì nhà đầu tư này mới quyết định bỏ vốn vào.

“Thú thực, dù dự án xưởng may thời trang đã được nâng cấp hoạt động lên thành doanh nghiệp, nhưng mình vẫn không có được những ước tính cụ thể về triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Quyết định đầu tư cảm tính, trên cơ sở niềm tin nhỏ nhoi là dự án sẽ có khả năng phát triển khi xem xét các yếu tố định tính của bối cảnh thị trường. May mắn là dự án đã có sự tăng trưởng như kỳ vọng của mình. Nhìn lại thấy mình cũng hơi liều!”, nhà đầu tư cho biết.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng may mắn tìm được nhà đầu tư như doanh nghiệp thời trang trên và tất nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào vào startups cũng mang lại thành công cho nhà đầu tư mạo hiểm.

Cũng theo nhà đầu tư này, khởi nghiệp là một câu chuyện khó nói và rất cần có những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp tham gia đầu tư theo kiểu “vốn mồi” (thường được gọi là lead investors) thì mới có thể kích thích các nhà đầu tư khác tham gia vào các startup đầy tiềm năng này. Thông thường, khi chưa có các lead investor, những người sáng lập tin rằng, ý tưởng khởi nghiệp của họ là có tiềm năng, sẽ thuyết phục được người mua. Tuy nhiên, đối với các lead investors, điều mà họ cần là ý tưởng đó không chỉ dừng lại là có tạo ra doanh thu hay không, mà còn phải mang tính cộng hưởng và lan tỏa tới cộng đồng, xã hội, khách hàng tiềm năng.

Điều này cũng minh chứng cho việc đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp không hề dễ, đặc biệt là với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc mảng đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, ngay tại thiên đường khởi nghiệp Singapore, trung tâm tài chính của châu Á, số lượng nhà đầu tư là lead investors cũng chỉ gần tròn hai con số. Tuy nhiên, vấn đề là họ có một hệ sinh thái khởi nghiệp khá tốt với các cơ chế ưu đãi rất hấp dẫn, nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư dài hạn sẵn sàng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. 

Gọi vốn bằng trái phiếu qua quỹ mạo hiểm, tại sao không?

Để thúc đẩy khởi nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Các quỹ này sẽ có vai trò cung cấp nguồn lực để nuôi dưỡng các ý tưởng đổi mới sáng tạo, từ giai đoạn sơ khởi đến hình hài cụ thể. Điều này xuất phát từ thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng dám đầu tư vào các quỹ này vì hoạt động startup rất rủi ro và không phải dự án nào có ý tưởng tốt hiện thực hóa cũng mang được giá trị sáng tạo. Ở chiều ngược lại, các dự án startup lại rất cần vốn và các quỹ đầu tư mạo hiểm chính là nơi tiềm năng nhất mà những người khởi nghiệp tìm đến hơn là vay ngân hàng, hay huy động từ các nguồn khác.

Ý tưởng hiện nay được đưa ra với Quỹ đầu tư mạo hiểm là triển khai theo hình thức quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, nếu chiếu theo luật thì các điều kiện thành lập lại khắt khe, mà các nhà đầu tư quy mô nhỏ không thể đáp ứng. Ví dụ, đối với quỹ đại chúng, một trong số các điều kiện thành lập là yêu cầu phải có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng (điểm 1, Điều 90, Luật Chứng khoán); đối với quỹ thành viên: vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng và có tối đa 30 thành viên góp vốn là pháp nhân; vốn tối thiểu để được thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán là 50 tỷ đồng (Điều 96, Luật Chứng khoán).

Chưa kể, nếu mua theo các chứng chỉ quỹ thì việc xác định tỷ suất lợi nhuận là rất khó khăn do ở giai đoạn sở khai, khó có thể tính toán được dòng tiền khi họ còn chưa có lợi nhuận, thậm chí chưa có khách hàng, doanh thu, dẫn đến nguy cơ rủi ro mất vốn và không tạo ra sự hấp dẫn với các nhà đầu tư tham gia mua chứng chỉ quỹ.

Vì vậy, hình thức phù hợp nhất để huy động cho quỹ đầu tư mạo hiểm nên là phát hành trái phiếu với quy mô và giá trị hợp lý. Khi đó, tùy từng thời điểm, tùy từng giai đoạn, tùy từng đối tượng doanh nghiệp startup, quỹ này sẽ phát hành các đợt trái phiếu khác nhau (có thể là trái phiếu thông thường hoặc trái phiếu chuyển đổi), thông thường là kỳ hạn tương đối dài và một mức lãi suất đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Sau đó, các quỹ này sẽ đầu tư vào nhiều startup khác nhau và ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có thể chỉ là phôi thai ban đầu, có thể đã bắt đầu hình hài cụ thể và bước đầu có doanh thu và tăng trưởng. Làm như vậy sẽ phân tán được rủi ro cho các quỹ; đồng thời các dự án startup cũng sẽ được tổ chức có uy tín để xác định triển vọng và tiềm năng phát triển thực sự của mình.

Ngoài ra, khi thực hiện phát hành các mini-bonds (mỗi mini-bonds có giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thậm chí thấp hơn) cũng sẽ dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia góp vốn hơn.

Trong trường hợp doanh nghiệp startup sau một thời gian đã có một bước phát triển và có nhu cầu trở thành doanh nghiệp đại chúng, việc chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu cũng dễ dàng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho các trái chủ.

Tất nhiên, không thể phó mặc cho các quỹ đầu tư mạo hiểm này tự hoạt động, mà cần phải có những cơ chế giám sát, vận hành phù hợp để tránh trường hợp xảy ra vỡ quỹ do đầu tư vào các startup không khả thi, dẫn đến mất khả năng thanh khoản khi các trái phiếu đến hạn phải tất toán cho các trái chủ.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục