Tuy nhiên, theo đánh giá của một thành viên điều hành Hiệp hội dệt may TP. HCM, đa phần DN dệt may Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ nên thiếu vốn, đầu tư công nghệ nhỏ giọt. Do vậy, DN dệt may cần thêm thời gian và buộc phải chạy đua với thời gian mới kịp “chuyến tàu cơ hội” này.
Trên thực tế, trước các cơ hội cũng như áp lực từ TPP, FTA, các DN dệt may đã có những động thái nhanh nhạy, tích cực. Theo đó, nhiều DN FDI đổ bộ đầu tư vào Việt Nam, các tổng công ty, DN lớn, nhỏ đều có kế hoạch đầu tư, mở rộng nhà máy ở các thành phố lớn, cũng như bắt tay với các khu công nghiệp hỗ trợ. Nếu như trước đây, tính liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa còn yếu, “mạnh ai nấy làm”, tự nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… thì giờ đây, các DN đã tích cực hơn trong việc tìm đến nhau. Vị chuyên gia trên chia sẻ, có nhiều DN, đi tới từng vùng miền, gặp gỡ các DN sản xuất nguyên phụ liệu để rà soát giá cả, chủng loại, từ đó có được sự hợp tác mới.
Với các DN có quy mô lớn, có quy trình khép kín từ sợi, dệt, nhuộm đến cắt may thì tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng. Chẳng hạn, CTCP Dệt may - Đầu tư -Thương mại Thành Công (TCM) đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Thành Công Vĩnh Long với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy thuộc dự án đầu tư nhà máy may, đan, nhuộm trị giá 645 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hoà Phú, tỉnh Vĩnh Long. Tân binh chào sàn CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng đã đưa Nhà máy Trảng Bàng 3 đi vào hoạt động, công suất sẽ dần nâng cao và theo kế hoạch, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy trong các năm tiếp theo.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khởi công xây dựng Nhà máy May Tuyên Quang, với quy mô diện tích gần 5 hecta, tổng mức đầu tư dự kiến 130 tỷ đồng, sản lượng 2,5 triệu sản phẩm/năm, doanh thu trung bình 800 tỷ đồng mỗi năm. Dự án sẽ được đầu tư qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 với quy mô 20 dây chuyền may sẽ đi vào vận hành trong quý I/2016 và giai đoạn 2 sẽ được hoàn tất vào thời điểm đầu năm 2017. Bên cạnh đó, Vinatex liên tục khởi công xây dựng khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may Quế Sơn, xây dựng nhà máy May tại Bạc Liêu, Cần Thơ. Gần đây, Vinatex cũng hợp tác liên doanh cụm liên hợp dệt - nhuộm - may với đối tác Itachu Nhật Bản.
Trong năm 2015, CTCP Sợi Fortex (Fotex) đã khởi công xây dựng nhà máy sợi Fortex 6. Theo kế hoạch, nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp Fortex tăng tổng doanh thu lên 1.800 - 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 300 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, Tổng CTCP Phong Phú dự kiến sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm và Tổng công ty Dệt may Hà Nội cũng đầu tư 1.500 tỷ đồng cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc.
Các DN gia công như GMC, May Nhà Bè, May 10, Phong Phú, Việt Tiến… cũng đang có những bước tiến xa hơn mức gia công thông thường. Chẳng hạn GMC, DN sản xuất theo kiểu “mua nguyên liệu, bán thành phẩm” (FOB) đang thử nghiệm phát triển nhãn hiệu, dần chuyển đổi sang ODM (thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển). Hay như Tổng Công ty May Nhà bè (NBC), xuất thân là DN gia công, đến nay, NBC đã đẩy mạnh được phương thức ODM (từ năm 2013) với đội ngũ chuyên gia hiểu về xu thế thời trang, cùng đội ngũ thiết kế và kinh doanh.
Mặc dù đã có những biến chuyển, nhưng sự thay đổi này vẫn còn quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà DN Việt Nam có được. Hiện nay, có khoảng gần 6.000 DN trong ngành dệt may nhưng có tới 70% chủ yếu là gia công. Kim ngạch xuất khẩu phần lớn vẫn thuộc về các DN FDI. Bên cạnh đó, các DN sản xuất được sợi hoặc là chỉ cung cấp cho các công ty thành viên sản xuất, không đủ nguồn cung ra ngoài, hoặc là như Sợi Thế Kỷ, chủ yếu là xuất khẩu. Nguyên nhân chính, vẫn là chưa gặp đúng nhu cầu.
Ngoài ra, vấn đề về nguyên phụ liệu, bên cạnh bài toán về kết nối các DN nội địa thì việc “bắt tay”, hợp tác với các nhà cung ứng quốc tế trong khối TPP, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam cũng là bài toán cần được DN dệt may quan tâm.