Buổi tọa đàm được tổ chức bởi Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhân sự kiện các doanh nghiệp tham dự Hội chợ Thời trang Quốc tế (VIFF 2015).
Mục tiêu của tọa đàm là kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất hàng hóa của ngành dệt may, tạo sự hiểu biết và hợp tác liên kết lẫn nhau giữa các nhà sản xuất, cung ứng và sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đề xuất các giải pháp hợp tác, liên kết để phát triển CNHT cho ngành dệt may ở Việt Nam, khai thác lợi thế do các FTA, TPP mang lại.
Theo Vitas, thực hiện quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”. Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chiếm tới gần 33% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, đóng góp tới 25 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2014, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may vẫn rất thấp. Thực trạng này làm cho phần giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm dệt may của Việt Nam không cao và đỏi hỏi phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Vitas cho biết, ngành dệt may đang có sự mất cân đối trong cấu trúc sản xuất, dẫn đến phải nhập khẩu hầu hết các loại nguyên phụ liệu, từ bông, vải, sợi đến các loại phụ liệu khác.
Mặc dù sản xuất phụ trợ cho ngành may xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành, nhưng nếu các doanh nghiệp kết nối lại và hình thành được chuỗi cung ứng sẽ giảm thiểu được đáng kể tình trạng quá phụ thuộc vào nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc mua nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 15 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng trong tháng 8, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,5%.