80% người tiêu dùng Việt chuộng dệt may nội địa

Đó là kết quả điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội đưa ra trong hội nghị đánh giá tình triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2011 của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
80% người tiêu dùng Việt chuộng dệt may nội địa

Cùng với mặt hàng dệt may, nhiều sản phẩm nội địa khác cũng đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, như sản phẩm rau quả là 58%, các sản phẩm đồ gia dụng là 49%, vật liệu xây dựng, đồ nội thất là 38%, thuốc men, dược phẩm, dụng cụ y tế là 26%,... Các cửa hàng, hệ thống siêu thị cũng cho bày bán nhiều hơn các loại hàng hóa mang thương hiệu Việt, cá biệt tại một số siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh như Sài Gòn Co-op, hàng Việt Nam chiếm tới 98%.

 

Đại diện Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết Bộ đang phát triển việc xúc tiến các chương trình để hàng Việt thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao việc sử dụng nguyên vật liệu nội địa. Trong đó có chương trình xúc tiến Quốc gia với 22 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí hổ trợ là 55 tỷ đồng. Bộ cũng đưa ra đề án phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo với kinh phí là 20,1 tỷ đồng.

 

 

Tuy nhiên, dù cuộc vận động đã đưa ra nhiều giải pháp và thu được những kết quả tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với một lượng hàng ngoại khổng lồ, đặc biệt là các mặt hàng từ Trung Quốc. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, nước ta đã nhập siêu tới 6,5 tỷ USD. Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu hẻo lánh, các sản phẩm Trung Quốc vẫn hoàn toàn áp đảo.

 

Bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch hội các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: "Càng đi sâu vào các vùng sâu vùng xa, hàng Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều". Theo bà, các doanh nghiệp Việt muốn cạnh tranh được phải nắm bắt được quy luật vận hành và dòng chảy của hàng hóa; đồng thời cần phải có  "một chính sách chuyên nghiệp cũng như xây dựng một bản đồ phân phối hàng hóa cho thị trường".

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định tiềm năng để phát triển trong nước vẫn còn hết sức lớn, vì vậy ngoài công tác vận động, doanh nghiệp phải tích cực sản xuất sản phẩm vì nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, để duy trì được sự cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải nâng cao "lòng tin" của người Việt với hàng Việt.

 

"Không một quốc gia nào phát triển được nếu người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của chính đất nước mình", phó thủ tướng phát biểu.

 

Ngoài ra, phó thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ sớm ban hành các văn bản pháp luật để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất cũng như cạnh tranh với các mặt hàng ngoại.


VEF

Tin cùng chuyên mục