Doanh nghiệp dệt may lại loay hoay vay vốn

Bài toán đau đầu tìm nguồn vốn đầu tư đối với doanh nghiệp dệt may là chuyện không mới, nhưng gần đây, khi bàn đến việc tận dụng các cơ hội mới từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề này lại trở nên nóng hơn.

ông Huỳnh Trọng Thận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Smilescard (ngồi giữa) là CEO trong chương trình kỳ này ông Huỳnh Trọng Thận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Smilescard (ngồi giữa) là CEO trong chương trình kỳ này

Đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao. Bên cạnh đó, những vấn đề về đất đai, môi trường cũng đang là những nút thắt khiến không ít doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội nhìn thấy từ thị trường mới.

Tổng công ty cổ phần Phong Phú là một ví dụ. Công ty này đang triển khai thực hiện các dự án sợi, dệt, nhuộm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cung ứng một số sản phẩm nguyên phụ liệu như sợi, vải, khăn bông…

Thực tế trong 10 năm qua, các doanh nghiệp ngành dệt may chủ yếu chú trọngđầu tư ngành may, còn với ngành dệt, nhuộm lại khá cầm chừng. Để tận dụng cơ hội ưu đãi xuất xứ từ TPP, Phong Phú đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với nhiều sản phẩm chủ chốt. Cụ thể, với sản phẩm sợi, nâng từ 23.000 tấn/năm lên 35.000 tấn/năm; vải denim từ 14 triệu mét lên 35 triệu mét, vải dệt kim từ 2.500 tấn/năm hiện nay lên 12.000 tấn/năm vào năm 2020…

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty thừa nhận, các dự án này có yêu cầu rất cao, cần nguồn lực con người và công nghệ tương ứng. Riêng việc phát triển dệt nhuộm, cần phát triển theo định hướng, song vấn đề khó khăn hiện nay là xử lý nước thải như thế nào, bởi tiêu chuẩn của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực và gần bằng tiêu chuẩn xử lý nước thải của EU, nên doanh nghiệp khó đáp ứng.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã quan tâm đến sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp nguyên phụ liệu hoàn chỉnh. Hiện đầu tư về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI.

Bởi vậy, quyết định chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may luôn là quyết định khó khăn với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, dù họ nhìn thấy nhu cầu trong thị trường lớn đang xuất hiện.

“Khi bắt tay vào chuẩn bị thực hiện những mục tiêu chiến lược này thì chúng tôi cần một lượng vốn khá lớn, trong khi việc tiếp cận lại rất khó khăn. Có thể do chúng tôi chưa tạo được niềm tin đối với ngân hàng, đối tác, khách hàng và các nhà đầu tư”, CEO tại một công ty dệt may cho hay.

Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông của doanh nghiệp trên đã ngồi lại bàn bạc giải pháp. Là một trong 3 cổ đông của Công ty, CEO là người đưa ra giải pháp đầu tiên cho vấn đề này.

Theo CEO, trước hết, Công ty cần cải tổ lại bộ máy tài chính - kế toán thành hệ thống chuyên nghiệp. Đồng thời, cần thuê giám đốc tài chính để có giải pháp tài chính hiệu quả hơn. Thậm chí, Công ty có thể tính toán phương án niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn. Có như vậy, Công ty mới có hệ thống quản trị tài chính rõ ràng, minh bạch thông tin để việc huy động vốn dễ dàng hơn.

Trong khi đó, HĐQT lại cho rằng, cách làm của CEO rất tốn kém về tài chính và thời gian. Đó là chưa kể những rủi ro khi việc quyết định các vấn đề tài chính vào tay người ngoài. Đồng thời, việc thay đổi quy trình và phương thức hoạt động hiện tại sẽ gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Do đó, các cổ đông cho rằng, Công ty nên tận dụng những thế mạnh sẵn có, được đến đâu hay đến đó. Tuy nhiên, CEO vẫn không đồng tình với ý kiến này và tiếp tục tìm mọi cách để thuyết phục HĐQT thuận theo kế hoạch của mình tại cuộc họp vào cuối tuần này.

Chuyên mục được thực hiện với  sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Anh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục