Chi nhập khẩu vải của ngành dệt may đã lên tới mức gần 11 tỷ USD

Chi nhập khẩu vải của ngành dệt may trong năm 2015 lên tới 10,85 tỷ USD, tăng hơn 1,422 tỷ USD so với năm 2014. Ngành dệt may đang cần thêm nhiều nhà máy sản xuất vải để giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Vốn FDI đổ vào dệt may Việt Nam trong năm 2014  đạt 1,64 tỷ USD, bằng tổng mức đầu tư của toàn ngành trong gần 20 năm qua Vốn FDI đổ vào dệt may Việt Nam trong năm 2014 đạt 1,64 tỷ USD, bằng tổng mức đầu tư của toàn ngành trong gần 20 năm qua

Nhà máy sản xuất vải Yarndyed, quy mô 10 triệu mét/năm do Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư và cũng là dự án nguyên liệu trọng điểm của Vinatex đã chính thức đi vào vận hành sau hơn 2 năm xây dựng.

Được xem là dự án được chờ đợi nhất, bởi trong một thời gian dài, trong khi các nhà máy sợi, may được các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đầu tư với mật độ dày đặc, thì các dự án sản xuất vải khá hiếm hoi, do hạn hẹp về nguồn vốn, cũng như hạn chế về công nghệ, nguồn nhân lực, vận hành.

Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, Nhà máy sản xuất vải Yarndyed (Khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An) là một trong những dự án nguyên phụ liệu lớn của Tập đoàn khi chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, đánh dấu bước chuyển về mô hình hoạt động mới, khi công ty mẹ phải tự đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu khép kín từ khâu đầu tới khâu cuối.

Chính thức khởi công xây dựng từ năm 2013, tính đến khi hoàn thành và đưa vào vận hành, Dự án Nhà máy sản xuất vải Yarndyed có tổng mức đầu tư trên 444 tỷ đồng.

Với quy mô 10 triệu mét vải/năm, Nhà máy sản xuất vải Yarndyed gồm các công đoạn tổ chức sản xuất bắt đầu từ sợi, qua các công đoạn nhuộm, hồ, dệt, đốt lông, giặt làm bóng, căng định hình, chống nhăn… và cuối cùng là tạo ra sản phẩm vải sọc, carô cao cấp từ nguyên liệu cotton, visco…, đáp ứng một phần nhu cầu về vải cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

"Toàn ngành dệt may hiện cần khoảng 8,7 tỷ mét vải/năm, nhưng với năng lực và công nghệ yếu, nên Việt Nam chỉ sản xuất được gần 3 tỷ mét vải/năm. "

Dự án Nhà máy sản xuất vải Yarndyed ra đời được Vinatex kỳ vọng cung cấp sản phẩm vải Yarndyed cao cấp, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu may, giảm bớt tỷ lệ nhập khẩu loại mặt hàng này từ nước ngoài, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tiết kiệm ngoại tệ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Theo tính toán, tại thời điểm này, khi nhu cầu sử dụng vải của Vinatex và các đơn vị thành viên lên tới 600 triệu mét/năm, thì việc được bổ sung thêm 10 triệu mét vải từ nhà máy vải Yarndyed chỉ như “muối bỏ bể”.

Còn nhìn vào danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2015 - 2016 của Tập đoàn Vinatex, có tổng vốn 9.000 tỷ đồng, thì khoảng 60% dành cho các dự án nguyên phụ liệu, trừ nhà máy vải Yarndyed, các dự án vải lớn như Nhà máy sản xuất vải dệt thoi 20 triệu mét/năm (Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định), Nhà máy sản xuất vải dệt thoi công suất 25 triệu mét/năm (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng)… nhưng đều chưa hoàn thành.

Toàn ngành dệt may hiện cần khoảng 8,7 tỷ mét vải/năm, nhưng với năng lực và công nghệ yếu, nên Việt Nam chỉ sản xuất được gần 3 tỷ mét vải/năm.

Trong khi chưa đủ lực tự gia tăng sản xuất trong nước, 6 tỷ mét vải thiếu hụt đang được bổ sung qua nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, còn nhập từ các nước TPP chỉ chiếm 5,3%.

Rõ ràng, sức ép về chủ động nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ, đặc biệt là khâu dệt vải, nhuộm hoàn tất của Vinatex nói riêng và ngành dệt may còn rất lớn và chưa thể giải quyết được trong ngắn hạn.

Yếu về vốn, sự chưa chủ động được công nghệ sản xuất vải chất lượng cao đang làm khó cho dệt may, ngay cả khi trong TPP đã có hẳn một mục về “nguồn cung thiếu hụt”, cho phép ngành tận dụng nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP.

Tuy nhiên, việc sử dụng “lá bài” nguồn cung thiếu hụt cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, về lâu dài, ngành dệt may vẫn phải chủ trì đầu tư sản xuất vải trực tiếp để tận dụng được ưu đãi về lâu dài.

Mới đây, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Vinatex đã “ngậm ngùi” cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào ngành dệt may Việt Nam chỉ tính riêng trong năm 2014  đạt 1,64 tỷ USD,  đã bằng tổng mức đầu tư của ngành trong gần 20 năm.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May (Vitas) nhận định, do tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị còn hạn chế, các doanh nghiệp trong nước đang bị các doanh nghiệp FDI lấn lướt và khối doanh nghiệp FDI mới chính là người hưởng lợi nhiều nhất khi TPP và các FTA có hiệu lực.

Theo tính toán của Vitas, tổng mức ngoại tệ cho nhập khẩu vải các loại phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và một phần nhỏ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng, năm 2015 là 10,85 tỷ USD, tăng hơn 1,422 tỷ USD so với giá trị nhập khẩu của năm 2014.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục