Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 11 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc đạt 2,150 tỷ USD, tăng chưa đến 2% so với cùng kỳ 2014 và khả năng cả năm 2015 chỉ đạt 2,59 tỷ USD, tụt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 3 tỷ USD.
Trong khi đó, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng tới 27% so với 2013, đạt 2,4 tỷ USD. Tăng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, hàng suite, quần nam/nữ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Kinh Bắc (tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, năm 2015, dệt may sang Hàn Quốc không đạt được mức tăng kỷ lục như năm 2014, do cạnh tranh xuất khẩu giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này rất khốc liệt.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất cùng dòng sản phẩm tại các nước như Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đang là đối thủ lớn của ngành may mặc của Việt Nam tại Hàn Quốc và nhiều thị trường khác.
Theo bà Đoàn, khi VKFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa dễ tăng tốc xuất khẩu sang Hàn Quốc do phân chia thị phần của các nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc đã khá rõ nét. Sự thay đổi sẽ có, nhưng mức độ còn tùy quy mô, sự nhạy bén và năng động của doanh nghiệp.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, song thị phần hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc lại có cải thiện đáng kể: chiếm 16,4%, tăng 2,4% so với 2013; trong khi của Trung Quốc là 43,44%, giảm 1,59% và thị phần của các nước khác như Myanmar, Mỹ, Australia, Italy tăng dưới 0,5% so với năm 2013.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 không có gì đáng lo ngại, bởi năm 2013 - 2014, xuất khẩu dệt may sang thị trường này tăng tới 27 - 28%. Lý do nữa làm xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc giảm là, năm 2015, tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc giảm 0,9% so với 2014, ước đạt 14,071 tỷ USD…
Trong khi đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu vẫn được nhận định là khả quan, bởi thương mại song phương đã chuyển sang một giai đoạn mới, do VKFTA đã có hiệu lực, mở ra thời cơ cho các doanh nghiệp biết đầu tư bài bản để khai thác thị trường này.
Với cam kết mở cửa theo VKFTA, hàng dệt may Việt Nam thỏa mãn chứng nhận xuất xứ sẽ được hưởng mức thuế 0% từ ngày 20/12/2015 (thay vì mức thuế 8 - 13% trước đó).
Lãnh đạo Công ty cổ phần May Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng đây cũng là động lực lớn để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thể hiện ở việc nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, hàng khác biệt mà thị trường Hàn Quốc có nhu cầu.
Vấn đề lớn để được nhận ưu đãi thuế 0% thay cho mức 8 - 13% như trước là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may phải tự chứng nhận xuất xứ, đảm bảo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo quy định của Hải quan Hàn Quốc. Đây chính là điểm yếu của không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, do đội ngũ thực hiện chứng nhận xuất xứ còn thiếu và yếu.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm thuế và có thông tin về VKFTA, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2015/TT-BTC về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định thương mại tự do này trong giai đoạn 2015-2018. Theo đó, một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định. Như vậy, mấu chốt là doanh nghiệp khi xuất khẩu phải chuẩn bị đầy đủ chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để được Hải quan nước nhập khẩu chấp nhận.
Về tổng thể, theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành dệt may có khả năng tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu khi Hàn Quốc giảm thuế do quy mô sản xuất lớn, mặt hàng xuất khẩu đa dạng và có đội ngũ hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đang hoạt động rất quy mô và bài bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này hiện đóng góp tới 65% tổng giá trị xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc.