Doanh nghiệp dệt may dồn dập đơn hàng

Kinh tế thế giới dần hồi phục, các thị trường xuất khẩu truyền thống gia tăng nhu cầu đang là cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may dồn dập đơn hàng

Cụ thể, mới đây, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đã xuất khẩu 2 lô hàng với 130.000 sản phẩm, tổng giá trị 160.000 USD. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3 cho biết, ngoài lô hàng xuất khẩu này, Công ty cũng đã ký nhiều đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, Công ty cổ phần May Thêu Đan Giày An Phước cũng đã thực hiện nhiều đơn hàng gia công cho khách hàng Nhật Bản, Mỹ. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan Giày An Phước cho biết, hiện Công ty đã có đơn hàng đến quý III năm nay.

Không chỉ May Sài Gòn 3, An Phước, mà gần như tất cả thành viên trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam đều đã có đơn hàng đến tháng 6/2014. Tuy đơn giá xuất khẩu không tăng so với năm 2013, nhưng việc ký kết được nhiều đơn hàng ở thời điểm đầu năm là khởi đầu thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài những đơn hàng mới, doanh nghiệp ngành may mặc đang có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới. Cụ thể, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đang triển khai một số thị trường mới tại châu Âu, Hàn Quốc, Australia..., phấn đấu đạt doanh thu 1.980 tỷ đồng trong năm nay, tăng 10% so với năm 2013 (1.800 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, tình hình xuất khẩu của Nhà Bè có dấu hiệu khả quan, khi đến thời điểm này, Nhà Bè đã đủ hơn hàng sản xuất đến hết năm 2014.

“Khách hàng châu Âu đang có xu hướng chuyển những sản phẩm ODM (từ thiết kế đến sản phẩm cuối) sang doanh nghiệp Việt Nam để giảm chi phí nguồn nhân lực. Vì thế, Tổng công ty May Nhà Bè đang xây dựng phòng mẫu để tiến tới làm ODM cho khách hàng. Hướng đi này nếu thành công, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu.

Để tận dụng lợi thế đang thuận lợi của ngành, An Phước mở đầu năm 2014 bằng một loạt đầu tư mới. “Năm nay, An Phước đẩy mạnh mở rộng, phát triển thị trường nội địa. Ngoài sơ mi, quần tây, vest, jean dành cho khách hàng trung niên, năm nay, An Phước bắt đầu tham gia sản xuất thời trang đồ lót”, bà Điền nói và cho biết, Công ty vừa mua nhà máy sản xuất của hai thương hiệu đồ lót Anamai và Bonjour của một doanh nghiệp trong nước.

An Phước cũng vừa thử nghiệm một số mẫu mã, chủng loại vải tốt hơn cho thương hiệu An Phước và đầu tư 600.000 USD cho dây chuyền sản xuất vest và sơ mi. Trước đó, cuối năm 2013, An Phước đã đầu tư 450.000 USD cho dây chuyền sản xuất này.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết là cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may chuyên về xuất khẩu khi thuế suất thuế xuất khẩu vào các thị trường lớn về 0%. Nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ cho những nhà kinh doanh nội địa, vì phải đối mặt với thương hiệu lớn từ nước ngoài đầu tư khai thác lợi thế này.

“Với các doanh nghiệp dệt may gia công, không có nguyên phụ liệu trong nước, sẽ khó hưởng lợi từ TPP. Và ngay cả với doanh nghiệp làm FOB, cũng chỉ hy vọng có thể khai thác được một phần lợi thế từ hiệp định này, vì 80% nguyên phụ liệu của ngành đều nhập khẩu từ những nước không hưởng lợi thế từ TPP”, bà Nguyễn Thị Điền nhận xét.

Trần Trọng Triết (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục