Đơn hàng vẫn giảm
Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, tính đến cuối tháng 7, Công ty mới nhận được khoảng 76% đơn hàng cho quý III/2023. Vì vậy, TCM đang hoạt động dưới công suất.
Trước đó, TCM kỳ vọng tình hình đơn hàng sẽ khả quan hơn trong quý III, nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi của doanh nghiệp.
“Đơn hàng nhỏ hơn, giá trị thấp hơn, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh năm của TCM. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho hay.
Thị trường trọng tâm hiện nay của TCM là châu Á, với 65,1% doanh thu xuất khẩu của Công ty tới từ khu vực này, chủ đạo là thị trường Hàn Quốc (đóng góp 25,3% doanh thu), Nhật Bản (21,76%), Trung Quốc (7,19%). Thị trường Bắc Mỹ đóng góp 29,2% vào tổng doanh thu của Công ty; trong đó, tỷ trọng doanh thu của thị trường Mỹ là 25,78% và Canada là 3,41%. Thị trường châu Âu đóng góp 4,8% doanh thu, trong đó thị trường Anh chiếm 4,41%.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG), theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thời, Công ty vẫn giữ được các thị trường truyền thống là Mỹ, Pháp, Canada, nhưng sản lượng đơn hàng sụt giảm là thực tế đang diễn ra.
Nửa đầu năm nay, TNG ghi nhận doanh thu 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG, chiếm 46% cơ cấu doanh thu; tiếp đến là Pháp, chiếm 15% doanh thu; Canada chiếm 10%; Nga chiếm 7%… Hiện thị trường nội địa chỉ đóng góp 3% doanh thu của Công ty.
Tình trạng suy giảm đơn hàng của ngành dệt may đã thể hiện rõ trên số liệu xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may 6 tháng đầu năm: Ước tính, giá trị xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Xét theo thị trường, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, với mức giảm 271% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu vào EU giảm 6,2%; Canada giảm 10,9%, Hàn Quốc giảm 2%... Riêng thị trường Nhật Bản ghi nhận mức tăng 6,6%.
Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU trong thời gian qua chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có quần áo thời trang. Dự báo tổng cầu dệt may của Mỹ năm 2023 đạt 112,8 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2022; trong khi tổng cầu dệt may của EU dự báo giảm 1,8% so với năm ngoái, đạt 260 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm của xuất khẩu dệt may thời gian qua chịu tác động của nhiều yếu tố, như sức cầu suy giảm trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại một số thị trường xuất khẩu chủ chốt, áp lực xanh hóa ngành dệt may và chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023).
Khắc khoải chờ tín hiệu cải thiện
Với bức tranh xám màu của thị trường xuất khẩu, Chủ tịch TCM Trần Như Tùng cho rằng, năm nay, Công ty khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu hơn 66,44 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt gần 4,44 triệu USD, lần lượt giảm 27% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành 39,7% kế hoạch doanh thu năm và 43,2% kế hoạch lợi nhuận năm sau nửa chặng đường.
“Nhu cầu tiêu dùng thời trang có thể tăng cao khi bước vào mùa mua sắm Đông - Xuân. Chúng tôi kỳ vọng đơn hàng được cải thiện kể từ quý IV/2023”, ông Tùng nói.
Chủ tịch TCM cho biết, để bám sát kế hoạch kinh doanh đề ra, Công ty chủ động tìm kiếm các thị trường mới mà trước nay dệt may Việt Nam ít xuất khẩu. Công ty cũng chú trọng khai thác các thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng lợi thế.
Mới đây, Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là một thành viên, TCM đang tìm hiểu để xuất khẩu vào thị trường này.
“Chúng tôi không tập trung vào thị trường Mỹ, mà tìm kiếm các thị trường khác có FTA với Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, TNG cho biết, đơn hàng từ thị trường Mỹ bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Ngoài mảng may mặc, năm nay, Công ty còn ghi nhận khoản doanh thu từ cho thuê cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (quy mô 70 ha). Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá, TNG sẽ tiếp tục được hưởng lợi, đặc biệt khi thị trường EU (chiếm khoảng 32% trong tổng doanh thu của Công ty) đang hồi phục tích cực.
Còn theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm 2023, với chiến lược tiếp tục duy trì nhận các đơn hàng giá trung bình thấp để duy trì hoạt động kinh doanh, TNG dự phóng đạt doanh thu 7.151 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 359 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu mảng dệt may và gia công đạt 6.933 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, TNG là một điểm sáng hiếm hoi trong ngành. Tình trạng suy giảm đơn hàng diễn ra ở đa số doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, không chỉ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua, mà còn đẩy các doanh nghiệp vào bài toán khó: giữ chân người lao động để chờ cơ hội phục hồi sản xuất - kinh doanh khi sức cầu của các thị trường xuất khẩu cải thiện.
Câu chuyện được bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP thì tiền lương, thu nhập sẽ được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện theo kết quả sản xuất - kinh doanh của năm liền trước và gắn với chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của năm hiện tại.
Năm 2023, với những yếu tố khách quan tác động đến sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận kế hoạch của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thấp đi. Theo đó, Vinatex bị áp mức tiền lương bình quân năm 2023 thấp hơn, chỉ còn 6 triệu đồng/người/tháng so với mức 11 triệu đồng/người/tháng trong năm 2022. Với mức lương bình quân này, Tập đoàn rất khó giữ chân người lao động.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành dệt may vừa qua, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm khẳng định, vấn đề cốt lõi của ngành dệt may hiện nay là tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt.
Theo ông Cẩm, doanh nghiệp dệt may thậm chí phải chấp nhận những đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để người lao động có việc làm. Song song đó, doanh nghiệp cần tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam không còn là quốc gia dệt may có lợi thế nhân công giá rẻ. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ kỹ thuật giúp cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.
Trong xu hướng trung dài hạn, các thị trường Mỹ và EU đều ban hành các chính sách khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững. Thiếu đi chiến lược bài bản trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp dệt may sẽ dần làm mất đi năng lực cạnh tranh.