Doanh nghiệp dệt may vẫn "thủng" đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận từ các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cho thấy, tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận những đơn hàng nhỏ, biên lợi nhuận thấp để có việc làm cho công nhân.
Sức cầu yếu của thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Sức cầu yếu của thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Chưa hết thiếu đơn hàng

Nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Pouyen, doanh nghiệp được biết đến với quy mô tuyển dụng nhân công lớn nhất mới đây đã thông báo sa thải gần 6.000 lao động.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, khó khăn của ngành dệt may đến từ nhiều yếu tố, như ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu, kèm theo ảnh hưởng của hậu Covid, khiến cho sức mua toàn cầu giảm.

Theo số liệu thống kê của VITAS, giá trị xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như may mặc, vải, xơ sợi… ghi nhận mức giảm từ 19 - 32%.

Sức cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho của thế giới vẫn ở mức cao, khiến các đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam suy giảm về cả số lượng và giá bán.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, xuất khẩu hàng may mặc trong tháng 5 giảm 16,7% so với cùng kỳ. Hoạt động nhập khẩu nguyên liệu dệt may trong tháng 5 giảm tới 37,5% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu đối với đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục giảm.

Theo giám đốc một công ty may mặc có nhà máy tại Bắc Ninh, doanh thu của công ty này trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước.

“Đơn hàng có thể tăng lên từ cuối quý III/2023 nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn. Hiện Công ty đang làm mọi cách để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công việc cho người lao động bằng cách chấp nhận những đơn hàng có lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận. Bởi nếu chúng tôi không nhận thì sẽ mất khách cho Bangladesh. Đây là đối thủ đáng gờm của ngành dệt may Việt Nam nhờ chi phí nhân công rẻ và đồng nội tệ giảm giá mạnh”, ông chia sẻ.

Số liệu của Cục Xúc tiến xuất khẩu của Bộ Thương mại Bangladesh cũng cho thấy, từ giữa năm 2022 đến quý I/2023, không chỉ lấy lại vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu dệt may từ Việt Nam, Bangladesh còn tăng trưởng rõ rệt về kim ngạch xuất khẩu dệt may, với mức tăng 14% ở thị trường chính của họ là châu Âu và 35% ở các thị trường không truyền thống khác.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, so với các thị trường cùng cạnh tranh, ước tính 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã có sự sụt giảm sâu nhất về các đơn đặt hàng.

Ngoài nguyên nhân về lực cầu thế giới giảm, còn lý do nữa là do khách hàng đang dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác như Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ, sau đó mới tới Việt Nam. Bởi nhân lực các quốc gia này dồi dào hơn, trong khi giá nhân công lại rẻ kéo theo giá đơn hàng cũng rẻ hơn. Theo thống kê của Vinatex, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho một công nhân may mặc của Việt Nam đang ở mức 300 USD, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở mức 200 USD.

Khó khăn có thể kéo dài đến hết quý III/2023

Thống kê kết quả kinh doanh quý I/2023 của một số doanh nghiệp dệt may cho thấy, hầu hết công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Thậm chí, có doanh nghiệp ghi nhận lỗ nặng, chỉ có một vài doanh nghiệp có tăng trưởng dương.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) mới đây cho biết, doanh thu tháng 5 của Công ty đạt hơn 231 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, doanh thu của TCM đạt 1.342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 3% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình đơn hàng, TCM cho biết, hiện vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng cho quý II. Tính đến thời điểm hiện tại, TCM đã nhận khoảng 77% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III/2023 và nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng của năm.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500 - 1.000 chiếc áo như bây giờ. Nếu doanh nghiệp không nhận thì sẽ thiếu đơn hàng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Trong khi đó, Vinatex cho biết, trong quý II/2023, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. Từ quý IV/2022 tới nay, đơn hàng của Vinatex chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ.

“Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500 - 1.000 chiếc áo như bây giờ. Nếu doanh nghiệp không nhận thì sẽ thiếu đơn hàng”, lãnh đạo Vinatex cho biết.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) là một trong những doanh nghiệp dệt may hiếm hoi vẫn tăng trưởng. Theo TNG, doanh thu tiêu thụ trong tháng 5/2023 đạt 668 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6,5% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của Công ty đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 98%.

Theo chuyên gia phân tích Trần Lâm Tùng, Công ty Chứng khoán BSC, trong tháng 5/2023, lượng hàng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ (thị trường chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu dệt may) ước đạt 1,56 tỷ USD, tăng 39,2% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 3,47% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 5,73 tỷ USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tình hình đơn hàng trong quý II/2023 đã có sự cải thiện so với giai đoạn đầu năm, tuy nhiên chúng tôi cho rằng ngành dệt vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn khi nhìn chung sức mua tại các thị trường xuất khẩu Mỹ, châu Âu vẫn còn yếu”, ông Tùng nhận định.

Theo ông Trần Lâm Tùng, có thể phải từ quý IV năm nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may mới có sự cải thiện rõ rệt khi lạm phát trên thế giới hạ nhiệt, người tiêu dùng mạnh dạn hơn trong chi tiêu, hàng tồn kho được giải phóng và các nhãn hàng bắt đầu rục rịch chuyển bị cho vụ xuân, hè năm 2024.

Do vậy, chuyên gia phân tích BSC dự báo, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong quý II và quý III năm nay tiếp tục kém khả quan và ít nhất phải sang quý IV mới dần phục hồi.

Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định, hàng dệt may Việt Nam đang ít lợi thế cạnh tranh hơn các quốc gia xuất khẩu khác. Đầu tiên là việc đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên, trong khi các quốc gia mạnh về xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Bên cạnh đó, giá thành cũng kém cạnh tranh hơn do lãi suất cho vay tại Việt Nam thường cao hơn từ 5 - 7%/năm so với các đối thủ xuất khẩu.

Nhận định về diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành dệt may trong thời gian tới, ông Tùng cho biết, ở thời điểm hiện tại, các cổ phiếu ngành dệt may trên sàn đều đã được chiết khấu mạnh và giảm về mức P/E thấp so với trung bình ngành dệt may (8 lần) và một số cổ phiếu hiện đang có triển vọng hồi phục trong năm 2024 như cổ phiếu MSH, TNG…

Ở một vài doanh nghiệp, giá cổ phiếu đã giảm về mức dưới giá trị sổ sách như GIL. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chú ý quan sát tình hình đơn hàng cũng như hàng tồn kho của các công ty ngành dệt may để quyết định thời điểm đầu tư phù hợp.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục