Doanh nghiệp có gì cho niềm tin tăng trưởng?

(ĐTCK) Sau năm 2018 khối doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 17%, xu hướng chung của năm 2019 là các doanh nghiệp lên kế hoạch khá thận trọng. Trong bức tranh chung đó, có những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng rõ con đường.
Doanh nghiệp có gì cho niềm tin tăng trưởng?

Hụt hơi ngay trong quý I

Ngày 25/4 tới, CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam - Casumina (CSM) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Đáng chú ý tại cuộc họp này, Casumina sẽ trình lên cổ đông kế hoạch tăng trưởng "khủng".

Casumina đã có 4 năm liên tiếp có tăng trưởng lợi nhuận âm (2014 - 2018), năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 13,2 tỷ đồng. Trong khi CSM vẫn hoàn thành mục tiêu doanh thu thì lợi nhuận chỉ hoàn thành 16% kế hoạch cả năm (kế hoạch lợi nhuận 84,2 tỷ đồng), giảm 76%.

Casumina cho biết sự sụt giảm này là kết quả của việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, sản lượng đối với nhóm sản phẩm xe đạp, xe máy giảm, nhóm lốp TBR và PCR chưa đạt đến điểm hòa vốn cũng như việc doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay và biến động tỷ giá.

Năm 2019, Hội đồng quản trị vẫn tiếp tục nhận định thị trường nhiều khó khăn nhưng đã quyết tâm đề ra mục tiêu rất lạc quan. Cụ thể, mục tiêu doanh thu 2019 đạt 4.566 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Đáng chú ý, mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 80 tỷ đồng, gấp 4,8 lần con số thực hiện được trong năm ngoái. Kế hoạch này được xây dựng từ tháng 10/2018 và được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phê duyệt.

Để thực thi được, CSM xây dựng hàng loạt chiến lược đẩy mạnh hoạt động cốt lõi như tập trung nguồn lực, tăng năng suất, đáp ứng sản lượng nhóm lốp TBR đã cam kết với đối tác JinYu (300 nghìn lốp); chuẩn bị đầu tư dự án lốp TBR nâng công suất lên 600 nghìn chiếc/năm, triển khai sản xuất đại trà lốp xe máy Tubeless hai thành phần... Tuy vậy, cơ sở cho kế hoạch tăng trưởng cao năm nay nhìn từ góc độ các hoạt động cốt lõi vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Quý I/2019, CSM chỉ đạt 2,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, sụt giảm hơn 52% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 3% kế hoạch lợi nhuận sẽ trình cổ đông tới đây, trong khi đó doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng.

Kết quả này là do CSM bị ảnh hưởng bởi phát sinh lãi tỷ giá, gánh nặng lãi vay tăng và chính sách tăng chi phí bán hàng để tăng sản lượng tiêu thụ. Với tình trạng cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, CSM sẽ làm gì để lợi nhuận tăng trưởng cùng doanh thu và đạt kế hoạch mà HĐQT dự kiến? Nếu Ban lãnh đạo CSM giải trình thuyết phục câu hỏi này, cổ đông mới đáng đặt niềm tin tiếp vào DN.

Cũng một năm 2018 thụt lùi về lợi nhuận, CTCP Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu 2019 vượt trội, với tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 178% và 324%. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 513 tỷ đồng này được lấy cơ sở từ việc DPG bắt đầu ghi nhận doanh thu bất động sản Khu đô thị Võng Nhi diện tích 15,6 ha. Kinh doanh bất động sản được Công ty xác định là mảng kinh doanh chính mang lại lợi nhuận cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tương tự CSM, DPG ngay trong quý I đã báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, nếu so với kế hoạch cả năm, quý I chỉ đóng góp được 4%. 

Tăng trưởng theo xu hướng xanh

Ở góc nhìn tích cực, một số doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng khi nhìn thấy cơ hội thị trường. Tại CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA), mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý I song phía doanh nghiệp cho biết, trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế thu về ước đạt tới 270 tỷ đồng.

AAA lên mục tiêu năm 2019 với 10.000 tỷ đồng doanh thu và 510 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,8 lần kết quả năm 2018. Kế hoạch tăng trưởng cao khiến cổ đông có lo ngại về khả năng tăng trưởng nóng cũng như việc duy trì mức độ tăng trưởng ở các năm tới.

Tuy nhiên ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA cho biết, khả năng tăng trưởng của AAA nhìn từ bên ngoài có thể là "nóng" nhưng đây là kết quả của sự chuẩn bị kỹ từ phía doanh nghiệp. “Do đó sẽ không có chuyện để nóng bỏng tay và quan trọng nhất trong giai đoạn này là việc nắm bắt các cơ hội hiện có”, ông Dương cho biết và tin rằng, “trend” (xu hướng) sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường tạo cơ hội tốt cho AAA. 

Cơ sở cho kế hoạch lợi nhuận này đến từ việc Công ty sẽ cải tiến biên lợi nhuận và tái cơ cấu các danh mục, cố gắng đẩy biên lợi nhuận trở lại mức ổn định 6 - 7%, cố gắng xuất khẩu sang thị trường Mỹ với mục tiêu 3.000 tấn/tháng... Sản phẩm AnEco hiện có biên lợi nhuận khá cao (10-12%) được kỳ vọng trở thành sản phẩm chủ lực của Công ty.

Cùng mục tiêu tăng trưởng xanh như AAA, CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) đặt mục tiêu doanh thu 280 tỷ đồng và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2019. Mục tiêu này lần lượt tăng 27% và 24% so với năm 2018.

Tiếp tục theo định hướng là công ty tiên phong trong việc phát triển năng lượng sạch cho cuộc sống xanh, để đạt được mục tiêu này, SHE cho biết sẽ tiếp tục phát triển bền vững các sản phẩm Thái Dương Năng truyền thống, tiến hành đa dạng hóa các sản phẩm Thái Dương Năng tấm phẳng, chịu áp, các sản phẩm Thái Dương Năng công nghiệp kích thước lớn cho hệ thống nước nóng trung tâm, tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm về năng lượng sạch trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm và các giải pháp cho năng lượng tái tạo ứng dụng vào thực tế và mở rộng thị phần mới...

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục