Thấy gì từ những doanh nghiệp tăng trưởng cao?

(ĐTCK) Kết thúc năm 2018, nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng cao hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phầm trăm. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng ghi nhận sự tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Thấy gì từ những doanh nghiệp tăng trưởng cao?

26 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trên 400%

Là doanh nghiệp gây ấn tượng cả về mức tăng trưởng và giá trị lợi nhuận năm 2018, Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) đạt 14.234 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 840% so với thực hiện năm 2017. Với mức lãi này, VHM là doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao thứ 2 trên sàn chứng khoán (sau Vietcombank với hơn 14.642 tỷ đồng lãi ròng).

Được biết, năm 2018, VHM đạt doanh thu thuần 38.806 tỷ đồng, riêng các dự án hợp tác kinh doanh (dự án BCC) với Vingroup và các công ty con như Vinhomes Golden River, Vinhomes The Harmony, Vinhomes Imperia, Vinhomes Dragon Bay và Vinhomes Star City Thanh Hóa mang về 36.203 tỷ đồng doanh thu. Tổng doanh thu từ các dự án của VHM và dự án BCC trong năm 2018 là 75.009 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các dự án này được ghi nhận vào thu nhập tài chính, giúp VHM đạt lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2018 trên 1.000% và khoảng 26 doanh nghiệp tăng trưởng trên 400%. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, không phải doanh nghiệp nào cũng có lợi nhuận sau thuế cao so với mặt bằng chung của ngành hoặc thị trường, đó là chưa kể không ít doanh nghiệp có lợi nhuận không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trong TOP 10 doanh nghiệp có mức tăng trưởng "thần kỳ" nhất thị trường, đáng chú ý là sự xuất hiện của Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) khi lợi nhuận ròng năm 2018 đạt hơn 108 tỷ đồng, tăng 1.240% so với kết quả năm 2017. Kết quả này càng trở nên "ấn tượng" hơn khi ITA đã ghi nhận lỗ quý I và quý IV là 5,5 tỷ đồng và 20,2 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng trưởng 172% đến từ các hợp đồng thuê đất, nhà xưởng, cổ tức và thanh lý các khoản đầu tư là "điểm cộng" trong kết quả kinh doanh 2018 của Công ty. Dẫu vậy, con số lợi nhuận 2018 đạt được mới chỉ hoàn thành 30% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh hoạt động tài chính, một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận lớn nhờ hoạt động sáp nhập và Công ty cổ phần Bột giặt và hóa chất Đức Giang (mã DGC) là một ví dụ.

Cụ thể, từ ngày 1/10/2018, DGC đã hoàn tất thủ tục sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai. Theo đó, báo cáo hợp nhất bao gồm kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty mẹ DGC, Đức Giang Lào Cai, Hóa chất Đức Giang Đình Vũ và Phốt pho Apatit Việt Nam.

Do vậy, trong giải trình của doanh nghiệp, DGC khẳng định các số liệu của năm 2018 không so sánh được với số liệu tương ứng của năm 2017 bởi báo cáo năm 2017 chỉ bao gồm báo cáo riêng của Công ty mẹ DGC. Kết thúc năm 2018, DGC đạt 881,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 780% so với năm 2017 và vượt xa kế hoạch đề ra (43 tỷ đồng).

Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã ASM), việc tăng tỷ lệ sở hữu và đưa Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia (mã IDI) trở thành công ty con cũng giúp doanh nghiệp này bước vào danh sách công ty niêm yết lãi nghìn tỷ, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2018, ASM đạt 1.155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 600% so với kết quả năm 2017.

Tăng trưởng cần đi đôi với bền vững

Thống kê cũng cho thấy, đa phần doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến là do việc kinh doanh bết bát của năm tài chính trước, nên việc hồi phục trong năm nay dù thấp cũng dễ tạo ra con số tăng trưởng lớn. Cùng với đó, một số doanh nghiệp có thời kỳ trì trệ kéo dài, nhưng đến năm 2018 bỗng dưng công bố doanh thu, lợi nhuận tăng vọt khó lý giải.

Điều này có thể thấy rõ ở chỉ tiêu lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp, bởi dù lợi nhuận 2018 ở mức cao, song EPS lại không thể hiện "độ cao" tương xứng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Coma 18 (mã CIG) đạt lợi nhuận 2018 gấp 47 lần năm 2017, nhưng EPS chỉ đạt 346 đồng/cổ phiếu, hay EPS của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài (mã LUT) chỉ vỏn vẹn 69 đồng/cổ phiếu, trong khi mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới hàng nghìn phần trăm...

Trên thị trường, ngoài danh sách trên, số doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng cao nhưng EPS lẹt đẹt còn rất nhiều. Điều này cho thấy sự bấp bênh của các doanh nghiệp khi kết quả kinh doanh chưa chứng tỏ được sự bền vững trong hoạt động cốt lõi.

Mùa công bố kết quả kinh doanh thường tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư khi nhìn vào con số tăng trưởng. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu ngành, có sức tăng trưởng vững vàng, có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững. Đây là lý do các nhà đầu tư cần chú ý vào bức tranh dài hạn của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục