Tại khảo sát này, các doanh nghiệp đánh giá cao sự cải thiện của môi trường kinh doanh trong 3 quý đầu năm, đặc biệt là khả năng tiếp cận vốn, hệ thống thuế…
Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cho rằng, đây mới chỉ là khâu gia nhập thị trường, tức là bước đầu của một chu trình kinh doanh, trong khi những vấn đề về tiếp cận đất đai, thị trường cung ứng lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng… lại chưa có sự cải thiện rõ rệt.
“Đặc biệt, vấn đề an toàn tài sản và quyền tài sản, chống độc quyền, việc hoàn thiện luật đất đai và luật bản quyền vẫn là vướng mắc lớn, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo đảm tài sản.
Tồn tại này cần sớm được hoàn thiện theo cơ chế thị trường để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, từ đó thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, cũng như tăng cường bảo đảm tài sản”, đại diện CTCP Sơn Hải Phòng chia sẻ.
Bên cạnh đó, các rủi ro thiên tai với tần suất và hậu quả ngày càng nặng nề trong năm 2017 cũng là nhân tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp lĩnh vực này giảm đáng kể.
Theo nhận định của nhóm chuyên gia nghiên cứu và thực hiện khảo sát, đây là những khó khăn khiến một tỷ lệ lớn doanh nghiệp dè dặt hơn khi đưa ra quyết định đầu tư và kinh doanh trong năm 2017 và 2018.
Mặc dù vậy, cũng theo nhóm chuyên gia này, sự khởi sắc của tăng trưởng kinh tế quý III và dự báo tiếp tục duy trì trong quý IV, cùng với sự cải thiện của chỉ số PMI, đã hỗ trợ cho kỳ vọng và quyết tâm mở rộng sản xuất-kinh doanh, đặt mục tiêu tăng biên lợi nhuận trong tháng cuối năm, cũng như năm tới của các doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy, 40% doanh nghiệp có lợi nhuận tốt năm 2017 cho rằng, trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp là khối lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra trong 3 quý đầu năm, chứ không phải giá cả hay chi tiêu của doanh nghiệp. Đối với việc phân bổ chi phí nguồn vốn để thu lại lợi nhuận tốt nhất, các lĩnh vực được chú trọng nhất là tài chính, nhân sự, vốn lưu động, dịch vụ khách hàng và công nghệ thông tin.
“Bên cạnh đó, quản trị logistic và chuỗi cung ứng cũng là công cụ hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp gia nhập hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng cao tỷ suất lợi nhuận”, khảo sát nêu.
Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì sự tích cực trong tháng cuối năm, việc tăng doanh thu thông qua phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm nhóm khách hàng mới, thị trường mới… vẫn là chiến lược chủ chốt được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn để gia tăng biên lợi nhuận trong năm 2018.
Điển hình cho chiến lược này, đại diện Vinamilk cho biết, sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho việc ra đời và phát triển dòng sản phẩm mới, cao cấp như sữa hữu cơ để mở rộng thị phần, tăng doanh thu và tăng lợi nhuận trong năm tới.
“Dòng sản phẩm này hướng tới thị trường nước ngoài và tập trung đối tượng khách hàng trung lưu trong nước đang ngày càng gia tăng, trong khi đối thủ cạnh tranh trong phân khúc này chưa nhiều”, vị đại diện này cho hay.
Tập đoàn Vingroup, một trong tập đoàn kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam, gây chú ý khi bắt tay với một số tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô để xây dựng dòng xe hơi mang thương hiệu Việt.
Trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Viettel cũng không giấu tham vọng chinh phục thế giới trong lĩnh vực này, khi mở rộng đầu tư, phát triển nhiều sản phẩm trên cơ sở địa phương hóa và xây dựng thương hiệu tại nhiều thị trường như Lào, Campuchia, châu Phi…
“Cùng với đó, việc tìm kiếm thị phần tại nước ngoài, với các nhóm khách hàng giàu tiềm năng trên thế giới sẽ là xu hướng của các doanh nghiệp lớn để gia tăng thị phần và tăng tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới”, một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu nhìn nhận.