Tăng trưởng là con số nhất thời
Kết thúc quý III năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận rất tốt so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là thông tin tốt lành với nền kinh tế, với đất nước, với cộng đồng. Tôi hy vọng, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong tương lai, thậm chí hơn thế nữa. Tôi cũng mong các doanh nghiệp khác đi vào quỹ đạo tăng trưởng.
Nhưng giữa lúc đà tăng đang mang lại niềm vui, đôi khi từ lâu doanh nghiệp mới có được, tôi mong các doanh nhân, những người lãnh đạo doanh nghiệp đặt mình trước câu hỏi: Đà tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ kéo dài được bao lâu? Đâu là những điểm yếu cần phải khắc phục để tránh được những rủi ro, đổ vỡ trong tương lai? Điều gì cho phép doanh nghiệp vượt tình huống biến đổi không ngừng của nền kinh tế, thậm chí những sự bất cập về chính sách tiền tệ để tăng trưởng ổn định?
Khi đang tăng trưởng mạnh, chính là lúc thích hợp nhất để các doanh nhân, doanh nghiệp đặt ra những câu hỏi này. Bởi chẳng khi nào đang trong cơn suy thoái, chúng ta lại có tâm trí nghĩ tới những nguyên lý căn cơ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cũng như khi nước lũ tràn vào nhà, người ta phải lo tát nước, còn những chuyện khác, hạ hồi mới phân giải.
Chúng ta cũng cần phải nhắc nhở nhau rằng: Tăng trưởng không đồng nghĩa với phát triển. Khi tôi nói điều này, có thể nhiều người sẽ phản ứng: “Ô hay! Ông này đang nói gì vậy? Phát triển và tăng trưởng có thể coi như hai chữ sinh đôi chứ?”. Không đâu, các bạn ạ. Một doanh nghiệp được xem là tăng trưởng khi các chỉ số như doanh thu, lợi nhuận, thị phần tăng so với mốc thời gian như quý trước, cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu doanh nghiệp đó vắt kiệt sức lực của người lao động, không ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, không quan tâm đến cộng đồng, tàn phá môi trường thì doanh nghiệp đó không thể xem là phát triển.
Trên thực tế, thiếu gì những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng hai con số trên cơ sở vắt kiệt sức người lao động. Hay doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh lại không thân thiện với môi trường. Chỉ khi nào tăng trưởng kéo theo sự phát triển thì cộng đồng mới mong đạt được tính bền vững. Phát triển con người, phát triển vốn liếng, phát triển môi trường. Tạm thu hẹp phạm vi của khái niệm phát triển ở ba cụm từ đó.
GS. Phan Văn Trường
Tôi cũng muốn khẳng định một lần nữa: Chỉ có những doanh nghiệp đào tạo bài bản cho người lao động, giúp họ trở nên lành nghề với chứng chỉ chuyên môn, tạo điều kiện cho họ thăng tiến trong chuyên môn và vị trí công việc thì khi ấy tăng trưởng mới có thể được gọi là phát triển. Đó là phát triển con người! Phát triển con người là nguồn gốc của mọi hình thức phát triển.
Phát triển là gốc bền vững
Nhân đề cập đến câu chuyện đầu tư cho phát triển con người, tôi cũng băn khoăn đặt câu hỏi: Khi ký hợp đồng cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê mặt bằng dài hạn trong những khu công nghiệp, có mấy doanh nghiệp trong nước kinh doanh khu công nghiệp nghĩ tới việc thương thảo với họ một điều khoản bắt buộc là phải xây cất chỗ ở tươm tất cho người lao động?
Tươm tất ở đây đơn giản là những căn nhà nhỏ có mái che, có trường học cho các con cháu của người lao động, một khuôn viên khiêm tốn làm chợ trời cho những nữ công nhân, các bà nội trợ. Những chi phí này không đáng bao nhiêu, nhưng nếu làm được như vậy là đảm bảo an sinh cho người lao động.
Mà nào đầu tư cho sự an sinh có mất đi! Những người lao động được hưởng những tiện nghi tối thiểu sẽ yên trí làm việc, sẽ không phải đưa con đi học xa, đưa vợ đi chợ, thậm chí đơn giản hơn, sẽ không phải chạy mấy chục ki lô mét để đi làm. Hiệu năng của họ, tinh thần làm việc của họ sẽ hưng phấn. Thậm chí, họ sẽ có được động lực, mà chỉ có những người được xã hội ưu ái, che chở, thay vì khai thác mới có được. Và họ sẽ phát triển, chứ không đơn thuần nhận đồng lương còm qua ngày. Tương lai của họ, của cả nền kinh tế sẽ khác đi rất nhiều.
Xét trên bình diện rộng hơn là trong cộng đồng doanh nghiệp cũng còn nhiều việc phải làm để biến tăng trưởng thành phát triển. Nếu như cộng đồng doanh nghiệp ý thức được rằng, các công ty khởi nghiệp là chìa khóa cho sự phát triển của kinh tế đất nước, thì có một việc rất đơn giản, rất rẻ có thể thực hiện: Mỗi doanh nghiệp hỗ trợ cho một hay nhiều công ty khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực của mình.
Hàng trăm ngàn bạn trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc đang luống cuống muốn khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực. Họ rất thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp và nhất là thiếu một cơ cấu để được vịn vào trong thời gian đầu, nhưng họ lại có nhiệt huyết kinh doanh và nhất là óc sáng tạo. Những thứ họ thiếu thì các doanh nghiệp đã thành danh, nhất là những doanh nghiệp nhà nước có sẵn.
Thử làm một phép tính, với 100.000 công ty khởi nghiệp được hỗ trợ, chúng ta có khoảng 10.000 công ty thành công và 1.000 công ty bùng phát rực rỡ. Hãy hình dung viễn cảnh của nền kinh tế, nền công nông nghiệp đất nước khi ấy. Đó là chưa kể sự phát triển đồng đều của mọi miền, vì người trẻ rải rác khắp nước, họ sẽ không còn bị dồn vào hai đô thị lớn để kiếm việc. Tăng trưởng như thế mới thật có ý nghĩa: Cả chính sách quy hoạch đất nước cũng sẽ phát triển theo.
Phát triển là thế đấy, hãy nhìn xa hơn tương lai của doanh nghiệp, để đi vào tương lai của cả nền kinh tế tương trợ và tương ứng trên mọi miền, cho mọi thế hệ.
Thành thử, ngoài sứ mệnh được rao là cao cả, ngoài nghĩa vụ được rao là thiêng liêng, thì chỉ còn lại bổn phận để thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa cho các doanh nghiệp: Biến tăng trưởng nhất thời thành một phong trào phát triển toàn diện, phát triển con người, môi trường, an sinh và cuối cùng là đất nước. Thay vì chỉ có được một hệ kinh tài tăng trưởng, chúng ta sẽ có cả một nền kinh tế và xã hội phát triển không ngừng, mà đó mới chính là mục tiêu và hiểu được tính bền vững chân chính.
GS. Phan Văn Trường là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia, làm việc trên 60 nước. Ông từng hội kiến với nhiều chính khách và nguyên thủ quốc gia. Hiện ông vẫn giữ vai trò cố vấn Chính phủ Pháp, kiêm giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM và là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 2007. Cuốn sách “Một đời thương thuyết” của ông đã được vinh danh sách hay về quản trị và được tái bản 7 lần. Mới đây, ông đã xuất bản cuốn sách “Một đời quản trị”.