Chứng khoán Việt Nam đã về mức rẻ?

(ĐTCK) P/E của TTCK Việt Nam đang gần mức trung bình 10 năm tại 14,5 lần. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, nhóm vốn hóa vừa có P/E dự phóng 2019 ở mức thấp kỷ lục. 
Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa có thể trở thành những khoản đầu tư vượt trội trong năm 2019. Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa có thể trở thành những khoản đầu tư vượt trội trong năm 2019.

Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vượt trội

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) nhận xét, nhóm các công ty có mức vốn hóa trung bình từ 1.000 - 13.000 tỷ đồng đang có định giá P/E ở mức 9,3 lần, thấp hơn mức bình quân trong 10 năm qua (10 lần).

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình được dự báo lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, đạt khoảng 25% trong năm 2019. Theo đó, P/E dự phóng ở mức 7,4 lần, thấp nhất trong lịch sử giao dịch của nhóm cổ phiếu này.

Ông Cường cho rằng, thời điểm thị trường hiện tại là cơ hội giúp các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận vượt trội trong năm 2019, khi thị trường có triển vọng tăng trưởng. Trong đó, các cổ phiếu vốn hóa vừa dự báo sẽ trở thành những khoản đầu tư vượt trội.

“Kinh tế tăng trưởng kỷ lục năm 2018 là nền tảng để các công ty niêm yết tiếp tục huy động vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi dự báo, VN-Index năm 2019 có thể sẽ có thêm một năm biến động với biên độ rộng khoảng 25%, từ 855 - 1.068 điểm”, ông Cường nói.

Theo EVS, lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trong năm 2018 ước tăng khoảng 19% và dự báo mức tăng trưởng năm 2019 có thể đạt 20%. Biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ được cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm, áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường…

Phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư (BSC) cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá tương đối hấp dẫn, P/E thấp hơn một số nước trong khu vực. P/E trung bình của VN30 là 20,1 lần, nếu loại những cổ phiếu có P/E trên 50 lần gồm CII, VIC và VRE, thì P/E là 14,7 lần. Với EPS bình quân tăng trưởng 10%, nhóm cổ phiếu VN30 hiện có mức định giá hợp lý, có dư địa tăng giá và thu hút dòng vốn đầu tư trung - dài hạn.

BSC dự báo, năm 2019, quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 202 tỷ USD nhờ hoạt động chuyển sàn từ UPCoM và niêm yết mới; thanh khoản bình quân thị trường có thể đạt 310 triệu USD/phiên; EPS toàn thị trường (tổng lợi nhuận sau thuế/tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết) tăng 5%, lên 2.390 đồng; P/E và P/B của VN-Index lần lượt là 15,7 lần và 2,5 lần, với HNX-Index là 10 lần và 1 lần. 

Biên độ dao động có thể lớn

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đã bước vào giai đoạn biến động mạnh kể từ đầu năm 2018, trái ngược với giai đoạn tăng trưởng ổn định 2016 - 2017.

Các yếu tố tạo nên biến động là chiến tranh thương mại, biến động giá dầu và các xung đột địa chính trị trên thế giới; diễn biến tăng trưởng kinh tế cũng như chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Nhật Bản. Trong năm 2019, các yếu tố ngoại biên này nhiều khả năng tiếp tục tác động và chi phối đến diễn biến của thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy, biên độ dao động của thị trường trong năm nay vẫn lớn, có thể từ 300 - 400 điểm. P/E bình quân của thị trường giai đoạn cuối năm 2019 có thể ở mức 15 lần, tức giảm so với thời điểm cuối năm 2018 (gần 16 lần), mặc dù các yếu tố vĩ mô trong nước có chiều hướng tích cực.

Dự báo, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 duy trì mức tăng trưởng cao (có thể giảm nhẹ so với năm 2018), lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng 13 - 14%.

Lạm phát và tỷ giá là những yếu tố rủi ro tiềm ẩn, nhưng khó có thể xuất hiện cú sốc lớn và Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ (mặc dù thận trọng hơn so với vài năm trước). Luật Chứng khoán sửa đổi kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Võ Văn Cường, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó có mức dự báo chính xác về điểm số trong năm 2019, bởi khả năng biến động trong biên độ rộng, do ảnh hưởng chi phối từ các yếu tố khó đoán định trên thế giới.

Thị trường sẽ tiếp tục có những cú sốc chồng chéo, tạo ra cả rủi ro và cơ hội. Hiện tại, VN-Index dao động quanh 910 điểm, gần vùng đáy dự đoán trong năm nay (855 điểm), nên đây là thời điểm tốt để xem xét đầu tư.

 Diễn biến chỉ số VN-Index trong vòng 1 năm qua.

“Thời điểm này là cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu, tìm kiếm lợi nhuận vượt trội trong năm 2019. Qua cơ hội này, một khi VN-Index điều chỉnh về vùng 855 điểm, tương ứng mức định giá P/E 14 lần, mức định giá hấp dẫn để kích hoạt trạng thái mua vào của nhiều nhà đầu tư, thì số mã cổ phiếu có khả năng mang lại lợi nhuận vượt trội không nhiều”, ông Cường nhận định.

Theo ông Cường, vùng đỉnh sẽ xuất hiện khi các rủi ro bên ngoài giảm dần, thậm chí không gia tăng. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam sẽ phản ứng tích cực ngay khi các yếu tố về chiến tranh thương mại hạ nhiệt. Dòng tiền quay trở lại các thị trường mới nổi khi USD ổn định và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương khác không quá tiêu cực như năm 2018. 

Thị trường đã xác lập đáy?

Đây là câu hỏi mà tất cả các nhà đầu tư đều đang quan tâm, nhưng thực tế rất khó để có câu trả lời chính xác. Theo góc nhìn của ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thị trường chứng khoán vẫn đang trong quá trình tạo đáy trung hạn, với ngưỡng hỗ trợ nằm ở 880 - 890 điểm và kháng cự nằm ở 920 - 930 điểm. VN-Index nếu chưa vượt qua vùng kháng cự này thì quá trình tạo lập đáy chưa hoàn thiện.

“Quá trình tạo đáy đang diễn ra tích cực, một số cơ hội đã mở ra cho nhà đầu tư. Với diễn biến phục hồi của các thị trường chứng khoán lớn, đà hồi phục của giá dầu, cộng với sự suy yếu trở lại của USD, tôi tin rằng thị trường Việt Nam đang tích lũy cho một nhịp hồi phục kéo dài. Tôi có cái nhìn lạc quan về triển vọng ngắn hạn trong quý I/2019 của thị trường chứng khoán và quá trình tích lũy trong vùng 880 - 920 kéo dài sẽ giúp đợt hồi phục tới diễn ra bền bỉ khi chỉ số vượt qua vùng kháng cự 920 - 930 điểm”, ông Du nói.

Ông Du cho rằng, thời điểm thích hợp để chọn lọc mua là khi thị trường điều chỉnh giảm trở lại vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, đây vẫn là một đợt sóng hồi phục nên khả năng sóng tăng theo những nhóm ngành là thấp và dòng tiền sẽ chọn lọc các cơ hội nổi bật để mua vào. Thông thường, đầu tư vào các cổ phiếu đầu ngành sẽ an toàn hơn các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tầm trung.

Thực tế, cơ hội đã bắt đầu xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, đặc biệt liên quan đến kết quả kinh doanh quý IV/2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang ở giai đoạn cao điểm.

“Nhà đầu tư có thể giải ngân ở nhóm cổ phiếu này, tuy nhiên, tỷ trọng danh mục chỉ nên duy trì ở mức trung bình thấp cho đến khi thị trường chung xuất hiện các tín hiệu giao dịch tích cực hơn”, ông Trần Đức Anh khuyến nghị. 

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ