Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đã lên kế hoạch cho năm 2019 với 240,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 83,91 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong khi đó, SII cho biết, ước tính năm 2018, Công ty đạt 280,3 tỷ đồng doanh thu thuần và 86,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm mới đã lần lượt giảm 14% và 2% so với ước hoàn thành năm 2018.
Không chỉ lên kế hoạch hợp nhất sụt giảm, SII mẹ còn ước lỗ 4,3 tỷ đồng trong năm 2019. Cụ thể, các khoản đầu tư vào Saigon - Pleiku, Saigon - An Khê, Công ty cổ phần Giải pháp mạng nước châu Á đều ước tính lỗ lớn hơn năm 2018. Lợi nhuận năm 2019 chủ yếu đến từ Dự án Củ Chi và Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp.
Thực tế, mức lợi nhuận ước thu về năm 2018 có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2017 (33 tỷ đồng) chủ yếu do SII ghi nhận khoản thu nhập tài chính lớn từ giao dịch thoái vốn tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ. Tuy nhiên, năm 2019, dự kiến không có khoản thoái vốn nào, dẫn tới việc kết quả sẽ thấp đi đáng kể.
SII không phải doanh nghiệp duy nhất lên kế hoạch thấp cho năm 2019. Tại cuộc họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hacisco (HAS) ngày 20/12 vừa qua, Hội đồng quản trị đã nhất trí với báo cáo dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2018 với doanh thu 241 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng lợi nhuận.
Cùng với đó, HAS cũng đồng ý với kế hoạch năm 2019 để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên là doanh thu 190 - 200 tỷ đồng và lợi nhuận từ 3,5 - 4 tỷ đồng, giảm khoảng 14 - 27% so với thực hiện năm 2018. Kế hoạch này được đánh giá là thực tế, khi năm 2018, Công ty không có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực xây lắp truyền thống. Doanh thu giảm liên tiếp từ năm 2016 đến nay, lợi nhuận năm 2018 cũng giảm mạnh đáng kể so với mức đạt được năm 2017 là 18,7 tỷ đồng.
Trong khi các doanh nghiệp đặt kế hoạch giảm vì không có đột biến về thu nhập bất thường hoặc do bối cảnh ngành thì Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) lại là trường hợp "lạ".
Năm 2018, Đại hội đồng cổ đông QNS đã thông qua chỉ tiêu 7.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 194 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi các con số này năm 2017 lần lượt là 7.738 tỷ đồng và 1.026 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức ước tính thực hiện năm 2018 là 8.350 tỷ đồng doanh thu và 1.097 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp tới 5 lần kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Bước sang năm 2019, kịch bản đi lùi lại tiếp diễn, khi QNS đã dự tính kế hoạch năm 2019 là 8.400 tỷ đồng doanh thu và chỉ vỏn vẹn 199 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thay vì đặt kế hoạch tăng trưởng cao để cố gắng, điều gì khiến QNS ghi nhận lợi nhuận hàng năm trên nghìn tỷ đồng, nhưng kế hoạch đề ra chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng?
Lý giải về vấn đề này, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, đối với QNS, mục tiêu lợi nhuận cốt lõi cực kỳ thận trọng không phải là chỉ báo của kết quả kinh doanh thực tế. Theo ban lãnh đạo QNS, kế hoạch lợi nhuận thấp do liên quan đến hệ thống lương thưởng nội bộ được thiết lập từ lâu của Công ty, tức là liên quan đến mức vượt kế hoạch được giao của các nhà máy và cán bộ công nhân viên.
Tuy nhiên, điều này chưa làm thỏa mãn cổ đông bởi các nhà đầu tư mong muốn một con số kế hoạch sát thực hơn cho thấy tiềm năng của QNS, thay vì việc đặt kế hoạch thấp để bảo đảm cho hệ thống lương thưởng.
Trước đó, năm 2017, QNS cũng chỉ lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 184,2 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2016 lên tới 1.409 tỷ đồng.
Thực tế, các kế hoạch trên sẽ còn được đưa ra Đại hội đồng cổ đông thường niên mới có thể chính thức thông qua, song những dự báo này của Hội đồng quản trị giúp nhà đầu tư nhìn nhận được triển vọng tăng trưởng, cũng như sớm có kế hoạch cho danh mục đầu tư của mình.
Nếu doanh nghiệp liên tục lên kế hoạch không bám sát với tiềm năng như QNS, nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp đang ưu tiên lợi ích nào và có chính đáng không?