Công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng cao trong 2019

(ĐTCK) TTCK tăng trưởng âm trong năm 2018, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn ghi nhận lợi nhuận vượt so với kế hoạch. Với dự báo kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, khối này đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2019.
Công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng cao trong 2019

Cơ hội từ thị trường

Nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế thị trường được thúc đẩy. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng thể hiện ngày một tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Xét trong dài hạn, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định luôn là nền tảng để TTCK phát triển lành mạnh.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2019 nhờ cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững, hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, với nền tảng vĩ mô ổn định, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm động lực tăng trưởng cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.

"Diễn biến TTCK thế giới cũng đang có những chuyển biến, với các thông tin khả quan về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, hay sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…, từ đó tác động tích cực tới chứng khoán cầu. Dự báo, TTCK Việt Nam sẽ tương đối 'yên bình' trong nửa đầu năm nay. Theo quan sát của tôi, dòng vốn đã gia tăng trở lại tại các thị trường mới nổi, kéo theo khả năng hút vốn vào TTCK Việt Nam”, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS nói.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, TTCK toàn cầu nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng đã bước vào giai đoạn biến động mạnh kể từ đầu năm 2018, trái ngược so với giai đoạn tăng trưởng ổn định 2016-2017. Các yếu tố tạo nên biến động, theo KBSV, đến từ các xung đột địa chính trị, diễn biến bất ổn tại các nền kinh tế lớn, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương (Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Nhật…), chiến tranh thương mại, biến động giá dầu…

"Theo đó, biên độ dao động của TTCK trong năm 2019 sẽ khá lớn, mức P/E bình quân của thị trường giai đoạn cuối năm 2019 dự báo đạt 15 lần, giảm so với thời điểm cuối năm 2018 (16 lần), song vẫn cao hơn mức bình quân giai đoạn 2015-2016 (13,7 lần). Về điểm số, VN-Index được dự báo sẽ ở quanh mức 940 điểm vào cuối năm nay", KBSV dự báo.

Ðồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) cũng cho rằng, VN-Index sẽ khó tăng đột biến. Dựa trên mô hình kết hợp dự báo lãi suất, lợi nhuận và so sánh P/E, CTS dự báo chỉ số sẽ dao động quanh ngưỡng  935 điểm vào thời điểm cuối năm.

"Hiện tỷ lệ P/E của VN-Index ở mức 16,65 lần, nhỉnh hơn mức trung bình của các nước Ðông Nam Á (16,05 lần). Ðây là con số khá hợp lý đối với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam”, CTS đánh giá.

Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn nghiêng về chiều hướng tích cực, với dự báo GDP 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao (cho dù thấp hơn so với 2018), lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ không tăng trưởng đột biến như giai đoạn 2017-2018, mà ở mức khả quan 13-14%.

Lạm phát và tỷ giá là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro, nhưng nhìn chung được dự báo sẽ không xuất hiện cú sốc lớn và Ngân hàng Nhà nước vẫn có điều kiện để duy trì chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ (cho dù thận trọng hơn so với vài năm trở lại đây).

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây kỳ vọng sẽ khiến dòng vốn ngoại chảy mạnh hơn vào thị trường, giúp TTCK Việt Nam tiến gần hơn với việc được nâng hạng. 

Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao

Năm 2018, dù TTCK chịu những biến động mạnh, song nhiều công ty chứng khoán vẫn ghi nhận doanh thu, lợi nhuận cao, nhất là nhóm những công ty lớn. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đều đạt trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng lần đầu tiên cán mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Một số công ty chứng khoán đạt mức tăng trưởng lợi nhuận "khủng" như KIS tăng 1.184%, MBS tăng 738%, IBSC tăng 162%, FPTS tăng 149%...

Ông Khổng Phan Ðức, Tổng giám đốc CTS cho biết, trong năm 2019, mục tiêu lợi nhuận đặt ra là đạt trên 200 tỷ đồng, tăng so với con số 130 tỷ đồng của năm 2018.

"Năm 2018, lợi nhuận của CTS đã vượt xa so với kế hoạch, trong đó riêng khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 136,3 tỷ đồng, gấp 9,6 năm 2017. Bởi vậy, áp lực duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2019 là rất lớn", ông Ðức nói và cho hay, mảng tự doanh sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” của CTS khi tỷ trọng đóng góp của mảng này thường chiếm hơn 60% trong tổng lợi nhuận. 

"Tuy 'thắng lớn' từ hoạt động tự doanh trong năm qua, nhưng vì là nghiệp vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên năm nay sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn", ông Ðức chia sẻ thêm.

Tại MBS, đại diện Công ty cho biết, tiếp đà tăng trưởng của năm 2018, MBS sẽ nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2019 với lợi nhuận trước thuế là 360 tỷ đồng.

"Năm 2018, mảng ngân hàng đầu tư (IB) đã hoàn thành nhiều giao dịch có doanh thu và lợi nhuận cao, trong khi mảng môi giới cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, giúp MBS đạt 202,73 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 7 lần so với năm 2017. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, MBS sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hơn 80% trong năm 2019", đại diện MBS nói.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng âm trong năm 2018, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận vượt so với kế hoạch, thậm chí không ít công ty đạt mức mức tăng trưởng hai, ba con số cho thấy nỗ lực rất lớn của khối này. Bởi vậy, việc phải vượt qua “đích” xa hơn trong năm 2019 đang tạo áp lực không nhỏ lên các công ty chứng khoán.

Năm qua, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vượt 20% so với kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ đồng. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VCBS cho biết, nghiệp vụ IB đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của VCBS trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh cả dòng vốn gián tiếp và trực tiếp đang có xu hướng chảy mạnh hơn vào Việt Nam thông qua các đợt IPO, thoái vốn nhà nước.

"Về kế hoạch 2019, mục tiêu tăng trưởng của VCBS luôn được ngân hàng mẹ cũng như Ban lãnh đạo Công ty chú trọng, song thực tế vẫn phải phụ thuộc vào thị trường, nên VCBS đang cân nhắc để đặt ra con số có tính thực thi cao. Với những dự báo tích cực về kinh tế vĩ mô và định hướng chính sách nhất quán trong việc duy trì các mục tiêu kinh tế của nhà điều hành, VCBS kỳ vọng dòng tiền đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay", ông Hùng nói.

Không chỉ công ty chứng khoán nội, các công ty chứng khoán ngoại cũng không ở ngoài "cuộc chơi" tăng trưởng lợi nhuận, bắt đầu từ nỗ lực tăng vốn, đưa ra các dịch vụ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Ðức Hoàn, Tổng giám đốc KBSV cho biết, Công ty đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 1.675 tỷ đồng, qua đó chính thức nằm trong TOP 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Theo ông Hoàn, với nguồn vốn mới, KBSV có điều kiện để cho ra mắt nhiều hơn các sản phẩm với ưu đãi hấp dẫn, mở rộng mạng lưới và phát triển thị trường.

"Một mặt, KBSV luôn phải cố gắng để hoàn thành kỳ vọng của 'ông chủ' (Tập đoàn Tài chính KB - Hàn Quốc), mặt khác vẫn phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro hoạt động. Ðể đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình tăng trưởng, cũng như tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, KBSV sẽ tiếp tục cải thiện quy trình làm việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tại nghiệp vụ quản trị
rủi ro”, ông Hoàn nói.           

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục