Ai được hưởng lợi từ việc công ty chứng khoán miễn phí giao dịch?

(ĐTCK) Miễn giảm phí giao dịch chứng khoán có thể là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, hướng tới mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
Ai được hưởng lợi từ việc công ty chứng khoán miễn phí giao dịch?

Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện một vài công ty chứng khoán miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư. Trong số này có Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Công ty chứng khoán VPS (tên gọi mới của Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBS).

Ngay sau khi các công ty này công bố miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở, nhiều nhà đầu tư đã hoan nghênh động thái này của họ. Tất nhiên, việc nhà đầu tư lựa chọn nơi để “trao gửi niềm tin” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố công nghệ, chất lượng tư vấn và các dịch vụ khác đi kèm, nhưng đây là hành động được coi là hợp với xu thế trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính.

Một câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ là người được hưởng lợi từ việc miễn phí giao dịch chứng khoán?

Điều dễ thấy nhất là nhà đầu tư. Theo số liệu thống kê từ trang web của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), trong năm 2018 tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tại sở này đạt 1,34 triệu tỷ đồng. Giả sử con số này không thay đổi trong năm 2019 và 10% trong số này được thực hiện ở nhóm các công ty có miễn phí giao dịch (phí giao dịch chứng khoán cơ sở mà các công ty chứng khoán hiện đang thu là 0,15 - 0,3% giá trị giao dịch).

Nếu việc miễn phí kéo dài cả năm thì nhà đầu tư giao dịch trên HOSE sẽ được hưởng lợi khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay. Con số này sẽ gia tăng nếu có thêm nhiều công ty khác tham gia vào việc miễn giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Đó là chưa tính tới sàn HNX và UpCom.

Số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong năm 2018, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư tổ chức trên HOSE đạt 25%, còn lại tới 75% là thuộc về nhà đầu tư cá nhân (99% trong số này là của nhà đầu tư cá nhân trong nước). Con số trên chắc chắn sẽ không có nhiều thay đổi trong năm nay. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc miễn phí giao dịch của các công ty chứng khoán.

Về phía Nhà nước, trong điều kiện thị trường không quá xấu, việc công ty chứng khoán miễn phí giao dịch sẽ kích thích nhà đầu tư gia tăng giao dịch.

Với mức phí giao dịch là 0,03% giá trị giao dịch mà sở giao dịch chứng khoán thu về hiện nay thì chỉ tính riêng phần phí giao dịch cổ phiếu trên HOSE, Nhà nước đã thu về khoảng 700-800 tỷ đồng trong năm 2018.

Nên nhớ, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của HOSE, doanh thu đến từ phí giao dịch chứng khoán của sở này trong năm 2017 là 633 tỷ đồng, tăng tới 72% so với năm 2016. Chỉ cần việc miễn phí giao dịch của công ty chứng khoán giúp giá trị giao dịch của nhà đầu tư tăng lên vài phần trăm thì HOSE đã thu thêm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó là chưa kể tới khoản thuế thu nhập mà nhà nước thu được từ việc bán chứng khoán của nhà đầu tư.

Mới đây,Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu của Chính phủ là đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025.

Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Hiện mới có khoảng 2,2% dân cư đầu tư chứng khoán tính trên số tài khoản mở của nhà đầu tư. Để đạt mức 3% vào năm 2020 thì cần thu hút thêm được 600.000-700.000 nhà đầu tư nữa. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng không phải là không khả thi. Vì thế, việc miễn giảm phí giao dịch có thể là một trong nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên.

Đức Tân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục