Doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% tổng dư nợ trái phiếu

(ĐTCK) Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, 4 tháng đầu năm nay, khối doanh nghiệp bất động sản chiếm đến hơn 49% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành với lãi suất cao, đi kèm với đó là tình trạng nhà đầu tư cá nhân tăng mua TPDN...
Doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% tổng dư nợ trái phiếu

Ông có thể chia sẻ tổng giá trị vốn mà các doanh nghiệp huy động được qua phát hành trái phiếu 4 tháng đầu năm nay?

Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, thị trường TPDN vẫn khá ổn định, phần nào thể hiện qua tổng giá trị phát hành 4 tháng qua đạt trên 58.000 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này giúp doanh nghiệp có kênh huy động vốn hiệu quả để bù đắp cho kênh vay vốn ngân hàng trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế, doanh nghiệp bất động sản thường xuyên huy động lượng vốn lớn qua kênh phát hành trái phiếu và trả lãi suất cao để tăng khả năng hút vốn. Theo ông, tình trạng này có đáng quan ngại?

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính.

Dữ liệu thống kê cho thấy, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã gia tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn trong thời gian qua. Họ trở thành nhóm doanh nghiệp huy động lượng vốn lớn nhất trên thị trường trái phiếu trong 4 tháng đầu năm nay, khi chiếm tới 49,1% trong tổng số 58.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, tăng rất mạnh so với mức khoảng 16% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những doanh nghiệp ghi nhận dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30 - 47 lần vốn tự có.

Bên cạnh dư nợ trái phiếu cao, một điểm đáng chú ý khác là lãi suất huy động bình quân của các doanh nghiệp bất động sản ở mức cao, đạt trên 11%/năm, so với mức bình quân chung toàn thị trường là 9,63%/năm. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra, chúng tôi chưa ghi nhận doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu với lãi suất 19,5%/năm như một số thông tin lan truyền trên thị trường.

Việc doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất cao là vấn đề nhà quản lý đang quan tâm theo dõi để kịp thời điều chỉnh chính sách quản lý, đồng thời phát đi cảnh báo tới nhà đầu tư, để chủ động phòng ngừa rủi ro.

Gần đây, xu hướng nhà đầu tư cá nhân mua mạnh TPDN tiềm ẩn rủi ro cho chính họ cũng như thị trường, một khi doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán do những rủi ro bất thường như dịch Covid-19. Bộ Tài chính có nắm được cụ thể tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua TPDN trong 4 tháng đầu năm nay gia tăng ra sao không?

Mặc dù đến nay nhà đầu tư tổ chức vẫn là nhà đầu tư chính trên thị trường TPDN, nhưng tốc độ nhà đầu tư cá nhân mua TPDN gần đây gia tăng mạnh. Nếu như cả năm 2019, trên thị trường sơ cấp TPDN, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chiếm 8,8%, thì 4 tháng đầu năm 2020 tăng lên tới 26,8%.

Việc nhà đầu tư cá nhân vốn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng phân tích tài chính của doanh nghiệp tăng mua TPDN tiềm ẩn không ít rủi ro. Cần lưu ý rằng, phát hành ra công chúng rất khác so với phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Với phát hành ra đại chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như phải tuân thủ quy định về công bố thông tin rộng rãi ra thị trường, cho toàn bộ nhà đầu tư; phải trình hồ sơ phát hành lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt mới được phát hành...

Còn với phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp không phải đáp ứng các điều kiện này, mà chỉ cần tuân thủ các quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN, đồng thời công bố thông tin tới các đối tượng mua trái phiếu và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là được phát hành.

Việc đầu tư TPDN được phát hành theo phương thức riêng lẻ phù hợp với nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vì ngoài khả năng nắm bắt và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp, họ còn có thể chịu đựng rủi ro cao hơn nhờ năng lực tài chính tốt.

Trước thực tế trên, nhà đầu tư vào TPDN cần lưu ý gì, theo ông?

Khi đầu tư vào TPDN, nhà đầu tư cần trả lời được 4 câu hỏi: Doanh nghiệp nào phát hành, với mục đích gì? Trái phiếu được hay không được đảm bảo bằng tài sản, cam kết của doanh nghiệp với trái phiếu ra sao? Kỳ hạn trái phiếu phát hành và phương thức trả lãi trái phiếu của doanh nghiệp? Tình hình tài chính của doanh nghiệp như thế nào?

Theo quy luật thị trường, lợi nhuận cao đi liền với rủi ro lớn. Việc nhà đầu tư cá nhân nếu không nắm bắt thông tin về doanh nghiệp mà đẩy mạnh rót vốn vì mục tiêu kiếm lợi nhuận cao, thì cũng cần chuẩn bị trước tâm lý “lời ăn, lỗ chịu”, thậm chí đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu trong thời điểm nhiều rủi ro hiện nay?

Doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% tổng dư nợ trái phiếu ảnh 2

Doanh nghiệp phát hành cần lưu ý cân đối giữa nhu cầu sử dụng vốn và phát hành trái phiếu để vừa đảm bảo cân đối dòng tiền, vừa đảm bảo khả năng trả nợ.

Các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, nhất là công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư về điều kiện, điều khoản trái phiếu, phương thức thanh toán gốc và lãi… để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường TPD, để từ đó kịp thời cảnh báo, cũng như phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm.

Tình trạng doanh nghiệp trong thời gian ngắn phát hành lượng trái phiếu lớn gấp vài chục lần vốn tự có, nhà đầu tư cá nhân gia tăng mua TPDN sẽ được chấn chỉnh ra sao trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành?

Cơ chế mới điều tiết thị trường TPDN trong thời gian tới sẽ không nới lỏng hay thắt chặt như một số ý kiến, mà hướng tới đảm bảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường song song với đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP để áp dụng ngay trong năm 2020 nhằm chấn chỉnh những bất cập trên thị trường trong bối cảnh chờ Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng cao một số điều kiện phát hành, hoàn thiện hơn cơ chế về công bố và minh bạch thông tin…

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn phát hành TPDN để thay thế toàn bộ các quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Điểm mới trong bản dự thảo này là TPDN phát hành ra công chúng bắt buộc phải có định mức tín nhiệm.

Qua đó, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin để cân đối giữa mức lãi suất và định mức tín nhiệm nhằm thuận lợi hơn khi cân nhắc đầu tư vào TPDN.

Đặc biệt, với sản phẩm TPDN phát hành riêng lẻ, ngay từ đầu năm 2021, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, còn nhà đầu tư cá nhân sẽ không được tham gia như hiện tại.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục