Theo thống kê chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2017, số lượng đại lý nhân thọ trên toàn thị trường lên tới hơn 620.000 người, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2016.
Hoạt động tuyển dụng đại lý được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiến hành liên tục để đáp ứng nhu cầu mở rộng hệ thống văn phòng, chi nhánh, nhằm khai thác tiềm năng to lớn của thị trường và cũng nhằm bù đắp cho số lượng đại lý biến động thường xuyên.
Vì nhiều yếu tố khác nhau nên lực lượng đại lý, tư vấn viên của các công ty bảo hiểm khó có sự ổn định. Bên cạnh những nhân sự nghỉ việc vì không trụ lại được với nghề, chỉ coi nghề này là công việc tạm thời thì việc cạnh tranh lấy đại lý của nhau giữa các công ty bảo hiểm cũng là câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết.
Dù không ồn ã như những năm trước, việc tư vấn viên bảo hiểm của công ty này bị kéo sang công ty khác bởi những gói chính sách, phúc lợi tốt hơn… vẫn diễn ra hàng ngày trên thị trường.
“Xu hướng đại lý, tư vấn dịch chuyển sang những nơi có đãi ngộ cao hơn công ty cũ vẫn tiếp diễn, thậm chí có công ty còn đưa ra chính sách đãi ngộ đặc biệt để lấy nguyên cả đại lý ở mấy khu vực của các công ty khác”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.
Tất nhiên, trong dòng chảy dịch chuyển đại lý, tư vấn viên bảo hiểm đến những nơi có hứa hẹn chế độ tốt hơn, cũng vẫn có những đại lý, tư vấn viên quyết tâm gắn bó với công việc hiện tại với quan điểm “làm ở đâu cũng cần một chữ tâm với khách hàng và lòng kiên trì”. Đây chính là nguồn lực quý của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm và việc tuyển dụng và đào tạo được những đại lý, tư vấn bảo hiểm có tâm với khách hàng yêu nghề như vậy cũng là mục tiêu cuối cùng của các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay.
Tuy nhiên, vì thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn non trẻ và cũng vì nhiều lý do khác nhau nên việc phát triển và giữ chân lâu dài đội ngũ đại lý, tư vấn như vậy vẫn là bài toán đau đầu cho cấp quản lý của mỗi công ty bảo hiểm. Chính vì vậy, cùng với những phương án phòng chống lôi kéo đại lý, về cơ bản, các công ty bảo hiểm đã bắt đầu đẩy nhanh hơn chiến lược đào tạo phát triển đội ngũ này theo các quy chuẩn riêng của mình.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong chiến lược phát triển năm 2018, cùng với việc tiếp tục đa dạng hóa các kênh phân phối qua ngân hàng, kênh doanh nghiệp và trực tuyến để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, Generali sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống văn phòng GenCasa và tập trung xây dựng lực lượng tư vấn viên chuyên nghiệp mang tên GenA. Đây là thế hệ tư vấn viên bảo hiểm mới, được chọn lọc kỹ lưỡng, đào tạo bài bản và quản lý chặt chẽ trong suốt quá trình hoạt động để có thể đạt hiệu quả cao nhất về cả lượng và chất.
Chọn lọc và đào tạo bài bản cho thế hệ đại lý mới gắn bó lâu dài hơn với nghề không chỉ là chiến lược của Generali Việt Nam. Một số công ty bảo hiểm khác như AIA Việt Nam hay Manulife cũng đã đang và bắt đầu đẩy mạnh hơn chiến lược này.
“Đây không phải là mô hình thử nghiệm, mô hình này chính là nền tảng quan trọng để chúng tôi hoàn thiện việc tuyển dụng đào tạo một lực lượng đại lý bảo hiểm thực sự chuyên nghiệp, thành thạo mọi ứng dụng công nghệ, làm việc toàn thời gian… Vấn đề chỉ là thời gian khi mọi thành tố trên đã chín muồi”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.