Nét mới trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I

(ĐTCK) Tính đến hiện tại, mới có một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 và nhìn chung đều khả quan. Với việc Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu chiếm khoảng 70% thị phần, bức tranh chung của thị trường phi nhân thọ quý đầu năm có nhiều nét vẽ mới.
Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thộ dẫn đầu chiếm khoảng 70% thị phần Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thộ dẫn đầu chiếm khoảng 70% thị phần

Doanh thu của "đại gia" tiếp tục tăng cao

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018 (trước soát xét) của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho thấy, Bảo hiểm Bảo Việt - công ty con hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ của BVH - ước đạt 2.783 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế hoàn thành 20,9% kế hoạch cả năm.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 31,7% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 18,8% và đạt 37,9% kế hoạch năm. Với kết quả này, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị phần thị trường phi nhân thọ Việt Nam, nhất là trong mảng bảo hiểm cá nhân và hộ gia đình.

Bảo hiểm PVI cho biết, kết thúc quý I/2018, Công ty đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 115% kế hoạch quý và 27% kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 15,5% so với cùng kỳ 2017.

“3 tháng đầu năm, khối bán lẻ tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh thu từ các đơn vị thành viên tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ tăng, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp được đẩy mạnh...", thông tin từ Bảo hiểm PVI cho hay.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh, kết thúc quý I/2018, Bảo Minh đạt tổng doanh thu 981,5 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2017, trong đó phí bảo hiểm gốc là 891,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý I/2018 đạt trên 84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 67,88 tỷ đồng, tăng 63% cùng kỳ 2017.

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý I/2018 cùng tăng trưởng cao một mặt là do Công ty thay đổi phương pháp tính dự phòng phí trong kỳ (cùng kỳ năm trước áp dụng phương pháp dự phòng toán học đối với loại hình bảo hiểm tử kỳ).

Mặt khác, diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán giúp kết quả hoạt động đầu tư tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, từ đó đóng góp vào kết quả kinh doanh chung.

"Tiểu gia" cạnh tranh bằng tăng độ phủ  

Hiện tại, Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu đang chiếm khoảng 70% thị phần thị trường phi nhân thọ Việt Nam. Để chiếm chỗ trong miếng bánh thị phần còn lại cũng như cạnh tranh với những doanh nghiệp nhóm trên, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp nhóm dưới áp dụng là đẩy mạnh mở rộng mạng lưới thông qua việc thành lập các đơn vị thành viên, chi nhánh, phòng giao dịch...

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm dưới cho biết, chiến lược này đã giúp họ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017 và tiếp tục phát huy tác dụng trong quý I/2018.

Chẳng hạn, Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho biết, kết thúc năm 2017, VBI đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh doanh đề ra, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 1.009 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% và lợi nhuận sau thuế đạt 67,4 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Tính đến 31/12/2017, VBI có 19 đơn vị thành viên và 5 phòng giao dịch trực thuộc trụ sở chính.

"Năm nay, VBI sẽ tiếp tục chiến lược cải thiện thị phần thông qua việc mở rộng mạng lưới cũng như các kênh bán hàng mới. Theo đó, tổng doanh thu phấn đấu đạt 1.450 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 1.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng...", đại diện VBI cho hay.

Sự hiệu quả của việc tăng độ phủ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ là rõ ràng. Tuy nhiên, chiến lược này cũng có không ít nhược điểm như làm tăng chi phí hoạt động, các chi nhánh, đơn vị thành viên trên cùng địa bàn có thể "dẫm chân" nhau... Vấn đề này đã được các cổ đông phản ánh tại những cuộc họp Đại hội đồng đồng cổ đông (ĐHCĐ) vừa qua.

Đơn cử, tại ĐHCĐ thường niên 2018 mới đây, cổ đông PJICO bày tỏ sự quan ngại về việc lập thêm công ty thành viên của Công ty.

Một cổ đông chất vấn: “Thời gian qua, Công ty mở thêm công ty thành viên là PJICO Hà Thành tại Hà Nội, trong khi địa bàn này đã có 4 công ty thành viên khác đang khai thác. Như vậy, liệu có hợp lý không, có gây cạnh tranh trực tiếp giữa các thành viên này hay không?”.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO cho biết, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa bàn chủ lực của PJICO, nên cần phải khai thác tối đa.

"Việc thành lập thêm PJICO Hà Thành đã được Ban lãnh đạo PJICO tính toán kỹ. Tuy thành lập sau, nhưng PJICO Hà Thành vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Riêng đơn vị này năm nay dự kiến đạt 50 tỷ đồng doanh thu và đặt mục tiêu đạt 100 tỷ đồng vào năm 2020", ông Hải nói.

Hay tại ĐHCĐ thường niên 2018 của MIC, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MBBank - Công ty mẹ của MIC băn khoăn: “Hiện MIC có 63 công ty thành viên, con số này có nhiều quá không, bởi quan trọng vẫn là chất lượng và hiệu quả hoạt động?”.

Giải đáp thắc mắc này, ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT MIC cho biết, bên cạnh mục tiêu khai thác kinh doanh, việc phủ sóng rộng là nhằm phục vụ cho công tác bồi thường, chăm sóc khách hàng, trong đó 2 địa bàn lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM có 22 đơn vị đang khai thác.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục